Các hãng hàng không cam kết không dồn, hủy chuyến vì lý do thương mại

Đại diện các đơn vị trong ngành hàng không đều khẳng định, có nhiều nguyên nhân dẫn đến chậm hủy chuyến bay, tuy nhiên không có chuyện dồn chuyến vì lý do thương mại.
Các hãng hàng không khẳng định không có việc chậm hủy chuyến bay vì lý do thương mại. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)

Trước nhiều thông tin của hành khách băn khoăn đến việc các hãng hàng không chậm hủy chuyến vì lý do thương mại, đại diện các đơn vị trong ngành hàng không đều khẳng định, có nhiều nguyên nhân dẫn đến chậm hủy chuyến bay, tuy nhiên không có chuyện dồn chuyến vì lý do nói trên.

Thời gian vừa qua, Cục Hàng không Việt Nam đã tổ chức kiểm tra, giám sát chặt chẽ tình trạng chậm hủy chuyến bay đồng thời đã phân tích hàng loạt các nguyên nhân dẫn đến tình trạng này.

Cả 1.001 lý do chậm, hủy chuyến

Theo ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Giám đốc Cảng vụ Hàng không Miền Bắc, từ ngày 13-29/7 tình trạng chậm hủy chuyến bay vẫn diễn ra nhưng xu hướng đã giảm rõ rệt. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến chậm hủy chuyến, trong đó chủ yếu là do tàu bay về muộn, kỹ thuật, thời tiết. Cá biệt, có trường hợp do tổ lái, tiếp viên đến muộn đã ảnh hưởng trực tiếp đến công tác chuẩn bị trước chuyến bay.

Đơn cử như chuyến bay VJ8887 chặng bay Hà Nội-Đà Nẵng của hãng hàng không Vietjet Air chậm 33 phút do tổ bay đến muộn. Lý giải việc này, đại diện Vietjet Air cho rằng, cơ trưởng chuyến bay bị ốm nên phải điều tổ bay khác ra. Tổ bay kia theo tàu bay khác ra lại bị chậm chuyến mất 30 phút nên mới dẫn đến thực tế tổ lái, tiếp viên đến muộn.

Bên cạnh đó, ông Sơn cũng đưa ra đánh giá, tình trạng chậm hủy chuyến bay còn do công tác phục vụ mặt đất tại các cảng hàng không, trang thiết bị tại các cảng hàng không vẫn còn chưa đáp ứng được nhu cầu khai thác của các hãng hàng không.

Chứng minh thực tế này, ông Sơn đưa ra dẫn chứng cụ thể, ngày 24/7, chuyến bay BL811 Hà Nội-Sài Gòn chậm 30 phút do thiếu xe thang để phục vụ khách; chuyến bay BL807 Hà Nội-Sài Gòn ngày 26/7 chậm 66 phút do cửa ra tàu bay bị trùng nhau giữa các chuyến…

Ngoài ra, Phó Giám đốc Cảng vụ Hàng không Miền Bắc cũng cho biết thêm, qua kiểm tra thực tế cho thấy thời gian quay đầu của chuyến bay đều quá 30 phút cũng là tình trạng khiến cho nhiều chuyến bay bị chậm chuyến.

“Các hãng hàng không đề xuất thời gian quay đầu bay là 30 phút nhưng chưa bao giờ đạt được mà nhanh nhất là 50 phút, còn lại thời gian quay đầu toàn gấp đôi so với quy định,” ông Sơn cho biết.

Đề cập đến chất lượng dịch vụ hành khách, ông Sơn đưa ra nhìn nhận, các hãng hàng không có thực hiện việc thông báo thông tin chậm chuyến và thực hiện quy định bồi thường, phục vụ hành khách. Thời gian qua, các hãng đã xử lý kịp thời.

Chất lượng dịch vụ hành khách của ngành hàng không đang được cải thiện. (Ảnh: Vietjet Air)

Liên quan đến việc thanh tra xác minh tình trạng hủy chuyến bay của Vietnam Airlines trong giai đoạn từ 11 đến 17/7 trên đường bay Đồng Hới-Hà Nội do có dấu hiệu dồn chuyến vì lý do thương mại, ông Võ Huy Cường, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam (Bộ Giao thông Vận tải) cho hay, khi Thanh tra hàng không kiểm tra, 3 chuyến khách bị ảnh hưởng như dư luận đã nêu không phải là hủy, dồn chuyến bay thương mại mà là do kỹ thuật, tàu bay bị sét đánh, bắt buộc phải dừng 10 ngày để bảo dưỡng.

“Các chuyến đến muộn có hơn 1.001 lý do làm chậm hủy chuyến. Chúng tôi đang cố gắng làm rõ, để điều chỉnh đồng thời đánh giá các nguyên nhân có phải do năng lực mặt đất hay không? Do tàu bay về chậm hay không hay là do thời tiết, kỹ thuật… Qua giám sát, kiểm tra trực tiếp, sẽ tập trung vào yếu tố con người, công tác phục vụ mặt đất,” ông Cường nói.

Không dồn chuyến như… xe đò

Theo báo cáo của Cảng vụ hàng không Miền Bắc, một số chuyến bay vì lý do số lượng tàu bay còn thiếu hoặc hành khách ít không đảm bảo về mặt thương mại, nên hãng hàng không đã tiến hành hủy chuyến bay, dồn, chuyển khách sang các chuyến bay khác cùng chặng.

Cụ thể, từ ngày 13-29/7, các hãng hàng không có tổng cộng 10 chuyến bay bị hủy vì lý do thương mại. Chẳng hạn, chuyến bay VN223 Hà Nội-Sài Gòn ngày 29/7 của Vietnam Airlines có 107 hành khách theo kế hoạch bay bằng máy bay nhỏ (A321) lúc 6 giờ đã được dồn sang chuyến bay 7 giờ bằng máy bay to hơn (Boing 777), kế hoạch đã được Tổng công ty hàng không triển khai thông báo lúc 10 giờ sáng ngày 28/7.

Phản bác lại thông tin này, đại diện Vietnam Airlines quả quyết, hãng không có chuyến bay nào hủy chuyến do thương mại.

Giải thích rõ hơn, vị đại diện này cho biết: “Về mặt thương mại, trong quá trình thống kê, Cảng vụ có lấy nguồn từ các hãng hàng không thống kê lên. Trong quá trình thực hiện, chúng tôi cũng phải đi xác minh và khi có báo cáo thấy nguyên nhân đấy chưa đúng nên đã điều chính lý do.”

[“Chưa bao giờ hình ảnh hàng không Việt Nam lại xấu như bây giờ”]

Bổ sung thêm, đại diện Công ty phục vụ mặt đất của Vietnam Airlines cũng cho rằng, các chuyến bay của các hãng và hãng đều đưa dữ liệu vào hệ thống làm thủ tục tự động, khách mua vé vào giờ chót không đáng kể nên không có việc dồn khách, dồn chuyến.

Trước nhiều phản ánh của hành khách về tình trạng máy bay cố chờ để dồn khách hoặc chờ bán vé giờ chót thời gian qua, ông Nguyễn Đình Hùng, Giám đốc Công ty phục vụ mặt đất Sài Gòn (SAGS) cho biết, các hãng hàng không xây dựng lịch bay từ 3-6 tháng thậm chí 1 năm và hành trình bay khép kín nên việc dồn chuyến như xe đò chỉ là... tin đồn nhảm.

“Không có chuyện dồn chuyến để bán vé giờ chót bởi, chờ 1 phút lấy thêm được 1 hành khách thì thu không bằng chi,” ông Hùng bày tỏ quan điểm.

Đồng tình quan điểm này, ông Phạm Ngọc Tùng, Phó giám đốc Xí nghiệp khai thác mặt đất Tân Sơn Nhất khẳng định, không có chuyện dồn chuyến, hủy chuyến vì lý do thương mại. Tỷ lệ khách mua giờ chót ở Tân Sơn Nhất là 0. Khi đã đổ dữ liệu vào làm tại sân bay thì không thể có dồn chuyến.

Đưa ra các giải pháp trước mắt, Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu các hãng hàng không phải lập kế hoạch bay phù hợp với năng lực khai thác, bổ sung đội tàu bay và đảm bảo có tàu bay dự bị nhằm phục vụ hành khách theo đúng kế hoạch bay đề ra đồng thời nghiên cứu, điều chỉnh lịch bay hợp lý để thời gian quay đầu giữa các chuyến bay nhanh hơn; hạn chế sự ùn tắc của hành khách ảnh hưởng tại sân bay; phối hợp chặt chẽ với các Công ty phục vụ mặt đất và điều hành, kiểm soát không lưu nâng cao khả năng điều hành tốt chuyến bay; tăng cường các hoạt động tuyên truyền nhằm giúp khách hàng hiểu biết chính sách thương mại và nắm bắt tốt các quy định an toàn, dịch vụ tại sân bay, hạn chế chậm giờ do khách, tăng cường công tác điều hành quản lý phối hợp trên các Cảng hàng không…/.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục