Các kế hoạch đầu tư thăm dò nhiên liệu mâu thuẫn với mục tiêu khí hậu

Theo báo cáo của Global Witness, các kế hoạch thăm dò nhiên liệu trong những thập kỷ tới "đối nghịch" với mục tiêu của Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu nhằm hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu.
Các kế hoạch đầu tư thăm dò nhiên liệu mâu thuẫn với mục tiêu khí hậu ảnh 1Tập đoàn Shell dự kiến đầu tư 106 tỷ USD vào các mỏ dầu mới và 43 tỷ USD vào các mỏ khí đốt mới. (Nguồn: The Abuja Times)

Các kế hoạch của những “ông lớn” trong ngành khai thác dầu mỏ và khí đốt chi 4.900 tỷ USD vào hoạt động thăm dò nhiên liệu trong những thập kỷ tới "đối nghịch" với mục tiêu của Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu nhằm hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu.

Đây là nhận định được đưa ra trong báo cáo của nhóm Global Witness công bố ngày 23/4.

Trong bối cảnh lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính tiếp tục tăng hằng năm, giới khoa học đã đưa ra những cảnh báo rằng loài người sẽ không ngăn được những tác động nghiêm trọng nhất của tình trạng ấm lên toàn cầu nếu vẫn gắn với nền kinh tế dựa vào nhiên liệu hóa thạch.

Tháng 10 vừa qua, Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc (IPCC) công bố một báo cáo, trong đó nhấn mạnh chỉ có thể đạt mục tiêu kìm hãm mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu trong phạm vi 1,5 độ C theo Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu khi giảm mạnh lượng sản xuất và tiêu thụ dầu mỏ, khí đốt và than đá.

Tuy nhiên, các tập đoàn lớn khai thác dầu mỏ và khí đốt hiện có kế hoạch đầu tư hàng nghìn tỷ USD vào thăm dò và phát triển các mỏ nhiên liệu mới trong những thập kỷ tới.

[Tiếp tục chuỗi tháng nóng nhất từ trước đến nay tại Australia]

Các khoản đầu tư vào lĩnh vực này dự kiến tăng 85% trong 10 năm tới, theo đó đến năm 2029 lên tới mức 1.000 tỷ USD/năm. Trong đó, tập đoàn ExxonMobil có kế hoạch đầu tư 149 tỷ USD vào thăm dò các mỏ dầu mới.

Tập đoàn Shell dự kiến đầu tư 106 tỷ USD vào các mỏ dầu mới và 43 tỷ USD vào các mỏ khí đốt mới. Tập đoàn Chevron dự định chi 78 tỷ USD vào thăm dò các mỏ dầu mới từ nay đến năm 2029.

Sản lượng dầu mỏ toàn cầu được dự báo tăng 12% vào năm 2030 - thời điểm mà Liên hợp quốc cho rằng cần phải giảm gần 50% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính mới có thể kìm hãm mức tăng nhiệt độ toàn cầu trong phạm vi 1,5 độ C.

Báo cáo của Global Witness cho rằng việc đầu tư mạnh vào hoạt động thăm dò và khai thác nhiên liệu nói trên đồng nghĩa “ném các mục tiêu của Hiệp định Paris vào sọt rác.”

Global Witness sử dụng các dự báo về đầu tư từ những nhà phân tích thị trường và các công ty nhiên liệu và so sánh con số này với dữ liệu được đưa ra trong báo cáo của Liên hợp quốc./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục