Hàng loạt ngân hàng trung ương lớn sẽ tổ chức các cuộc họp chính sách tiền tệ trong tuần này, khiến các nhà đầu tư đang phải chuẩn bị cho những biến động về lãi suất theo cả hai hướng.
Được thị trường chờ đợi nhất là cuộc họp kéo dài hai ngày của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed), bắt đầu vào ngày 17/9.
Fed được kỳ vọng sẽ cùng với các ngân hàng trung ương khác trên thế giới bắt đầu chu kỳ cắt giảm lãi suất lần đầu tiên sau hơn 4 năm.
Câu hỏi lớn được đặt ra lúc này chỉ là quy mô cắt giảm lãi suất của Fed sẽ như thế nào.
Theo dữ liệu từ công cụ FedWatch Tool của sàn giao dịch CME, thị trường đang đặt cược cao hơn vào khả năng Fed sẽ giảm lãi suất 0,25 điểm phần trăm , còn 41% đặt cược vào mức giảm 0,5 điểm phần trăm.
Ngoài Fed, Ngân hàng Trung ương Brazil (BCB) cũng dự kiến tổ chức cuộc họp chính sách vào ngày 17-18/9.
Ngân hàng Trung ương Anh (BoE), Ngân hàng trung ương Na Uy (Norges Bank) và Ngân hàng Dự Trữ Nam Phi (SARB, ngân hàng trung ương) sẽ họp vào ngày 19/9.
Một tuần bận rộn với các cuộc họp chính sách lãi suất sẽ kết thúc vào ngày 20/9, khi Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) đưa ra quyết định mới nhất về lãi suất sau cuộc họp kéo dài hai ngày.
Ông John Bilton, Giám đốc chiến lược đa tài sản toàn cầu của công ty quản lý tài sản J.P. Morgan Asset Management, nhận định: "Chúng ta đang bước vào chu kỳ cắt giảm lãi suất".
Phát biểu trước khi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) thực hiện cắt giảm lãi suất 0,25 điểm phần trăm mới đây, ông Bilton cho biết Fed cũng sẽ giảm lãi suất 0,25 điểm phần trăm trong tuần này, trong khi BoE có khả năng sẽ tham gia “đường đua” hạ lãi suất khi nền kinh tế Anh chứng kiến sự đình trệ trong tháng Bảy.
Ông Bilton nói thêm: "Chúng ta có tất cả các yếu tố cho một chu kỳ cắt giảm lãi suất kéo dài nhưng có lẽ nó không đi kèm suy thoái kinh tế, và đó là một tình huống khá đặc biệt. Nhiều người tin rằng Fed và ECB đều chậm trễ trong việc hạ lãi suất và hiện đã xảy ra suy thoái kinh tế, nhưng cũng có những người như tôi tin rằng tin rằng không có sự mất cân đối lớn trong nền kinh tế và điều này sẽ thúc đẩy tăng trưởng.”
Từ vài tuần gần đây, các nhà hoạch định chính sách của Fed đã phát tín hiệu về việc hạ lãi suất. Hiện tại, lãi suất mục tiêu của Fed nằm trong khoảng từ 5,25% đến 5,5%.
Một số nhà kinh tế cho rằng ngân hàng trung ương Mỹ nên hạ lãi suất 0,5 điểm phần trăm trong cuộc họp tuần này với lý do rằng Fed đã đi “quá xa và quá nhanh” trong việc thắt chặt chính sách tiền tệ.
Một số khác thì lại cho rằng một động thái như vậy là “rất nguy hiểm” cho thị trường và kêu gọi Fed chỉ nên hạ lãi suất ở mức 0,25 điểm phần trăm.
Trong khi đó, sau nhiều lần cắt giảm lãi suất kể từ tháng 7/2023, Ngân hàng Trung ương Brazil có thể sẽ tăng lãi suất trong tháng Chín do dữ liệu kinh tế quý II/2024 mạnh hơn dự kiến.
Tại Vương quốc Anh, một cuộc thăm dò của hãng tin Reuters công bố cuối tuần trước cho thấy tất cả 65 nhà kinh tế tham gia khảo sát đều dự báo BoE sẽ giữ nguyên lãi suất ở mức 5% tại cuộc họp sắp tới.
Cũng theo khảo sát của Reuters, Ngân hàng Dự trữ Nam Phi dự kiến sẽ cắt giảm lãi suất vào cuộc họp ngày 19/9. Đây sẽ là lần đầu tiên ngân hàng này giảm lãi suất kể từ sau khi bùng phát đại dịch COVID-19 cách đây bốn năm.
Ngân hàng Trung ương Na Uy dự kiến sẽ giữ nguyên lãi suất ở mức 4,5% tại cuộc họp tuần này. Trong khi đó, BoJ được dự báo sẽ chưa tăng lãi suất trong tháng Chín mà đợt tăng tiếp theo sẽ được thực hiện vào cuối năm.
Cuối tháng Bảy vừa qua, BoJ đã quyết định tăng lãi suất lên mức cao nhất trong 15 năm qua, đồng thời công bố kế hoạch giảm mua trái phiếu chính phủ, qua đó tiến thêm một bước hướng tới việc chấm dứt một thập kỷ áp dụng các chính sách kích thích kinh tế khổng lồ.
Cho đến nay, BoJ dưới thời Thống đốc Kazuo Ueda đã tăng lãi suất tổng cộng 35 điểm cơ bản chỉ trong bốn tháng./.
Hồi hộp trước kết quả cuộc họp chính sách của Fed
Nếu Fed quyết định cắt giảm lãi suất thì đây là động thái đánh dấu bước đảo chiều chính sách và là cột mốc quan trọng trong cuộc chiến lâu dài của ngân hàng trung ương chống lạm phát.