Các lãnh đạo tài chính G7 thảo luận vấn đề tài trợ cho Ukraine

Chính phủ Ukraine ước tính ngân sách hiện tại của nước này thâm hụt 5 tỷ USD/tháng do xung đột. Ukraine đang kêu gọi các quốc gia phương Tây hỗ trợ nhiều hơn cho nước này.
Các lãnh đạo tài chính G7 thảo luận vấn đề tài trợ cho Ukraine ảnh 1Khói bốc lên tại thành phố Lviv, trong xung đột Nga-Ukraine, ngày 3/5/2022. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 19/5, các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng trung ương Nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đã nhóm họp tại Đức với hy vọng tìm giải pháp cho vấn đề thiếu hụt ngân sách của Ukraine, trong bối cảnh xung đột Nga-Ukraine tiếp tục gây bất ổn kinh tế toàn cầu.

Phát biểu khai mạc hội nghị diễn ra tại thành phố Koenigswinter, Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner tuyên bố: “Tôi rất lạc quan rằng tại hội nghị G7 này, chúng ta sẽ có thể kêu gọi tài trợ để cho phép Ukraine tự bảo vệ trong những tháng tới.”

Ông Lindner nhấn mạnh cần hàng chục tỷ euro để đảm bảo “tính thanh khoản” của Ukraine.

[Liên minh châu Âu đề xuất gói hỗ trợ bổ sung 9 tỷ euro cho Ukraine]

Thủ tướng Ukraine Denys Shmygal dự kiến phát biểu tại hội nghị qua hình thức trực tuyến.

Xung đột tại Ukraine đã “giáng một đòn mạnh” vào ngân sách của Kiev do thuế thu nhập giảm mạnh.

Chính phủ Ukraine ước tính ngân sách hiện tại của nước này thâm hụt 5 tỷ USD/tháng do xung đột. Ukraine đang kêu gọi các quốc gia phương Tây hỗ trợ nhiều hơn cho nước này.

Trước thềm hội nghị G7, Liên minh châu Âu (EU) cũng đề xuất gói hỗ trợ bổ sung cho Ukraine lên tới 9 tỷ euro (9,5 tỷ USD) trong năm nay để giúp Kiev khắc phục hậu quả xung đột.

Ngày 10/5 vừa qua, Hạ viện Mỹ đã phê chuẩn gói viện trợ 40 tỷ USD cho Ukraine.

Nếu gói này được Thượng viện thông qua như dự kiến, gói chi tiêu của Mỹ nhằm tăng cường khả năng phòng thủ của Ukraine và giải quyết cuộc khủng hoảng nhân đạo sẽ tăng lên khoảng 54 tỷ USD./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.