Các lệnh trừng phạt Iran đe dọa chiến lược của Mỹ tại Afghanistan

Quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran và tái áp đặt các lệnh trừng phạt nhằm vào Tehran có nguy cơ làm trệch hướng dự án xây dựng nền kinh tế của Afghanistan.
Các lệnh trừng phạt Iran đe dọa chiến lược của Mỹ tại Afghanistan ảnh 1Quang cảnh cảng Chabahar trong lễ khánh thành giai đoạn 1 tháng 12/2017. (Nguồn: THX/TTXVN)

Theo Reuters, quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran và tái áp đặt các lệnh trừng phạt nhằm vào Tehran có nguy cơ làm trệch hướng dự án xây dựng nền kinh tế của Afghanistan, cũng như đe dọa mục tiêu chủ chốt trong chiến lược của Mỹ nhằm chấm dứt cuộc chiến lâu dài nhất của cường quốc hàng đầu thế giới.

Trong khuôn khổ hành lang vận tải mới dành cho Afghanistan, Iran đang phát triển tổ hợp cảng Chabahar. Tuyến đường mới này có thể giúp mở đường cho hàng triệu USD đầu tư thương mại đổ vào Afghanistan cũng như giảm bớt sự phụ thuộc của nước này vào Pakistan.

Việc xây dựng nền kinh tế Afghanistan cũng sẽ giảm bớt sự phụ thuộc của Kabul vào viện trợ nước ngoài, cũng như giảm đáng kể hoạt động buôn bán thuốc phiện trái phép vốn là nguồn doanh thu chính của Taliban.

Tuy nhiên, quyết định của Mỹ tái áp đặt các lệnh trừng phạt chống Iran và các tổ chức tài chính làm ăn với Tehran đang phủ bóng đen lên khả năng tồn tại của cụm cảng Chabahar do các ngân hàng sẽ ngừng cấp vốn vì lo sợ phải hứng chịu các đòn trừng phạt.

[Lầu Năm Góc thông tin sai về quân số lực lượng Afghanistan]

Một nguồn thạo tin cho biết ít nhất ba hợp đồng xây dựng cơ sở hạ tầng tại cảng biển này hiện đã bị trì hoãn, trong khi các chủ ngân hàng mong muốn Washington làm rõ quan điểm trước khi chấp thuận bảo lãnh.

Thêm vào đó, các thương nhân Afghanistan, đang kỳ vọng về một cảng biển khác thay thế cho cảng Karachi của Pakistan, giờ đây phải đối mặt với khả năng bị cắt giảm nguồn tài trợ và buộc phải phụ thuộc vào hệ thống chuyển tiền hawala truyền thống, vốn không đủ khả năng để chuyển đổi một nền kinh tế.

Ông Barnett Rubin, chuyên gia thuộc Trung tâm Hợp tác Quốc tế của trường Đại học New York kiêm một cựu cố vấn của Bộ Ngoại giao Mỹ và Liên hợp quốc, cho biết: "Cách duy nhất để Ấn Độ tham gia nhiều hơn" vào sự phát triển kinh tế của Afghanistan là "thông qua Chabahar" và "chính sách Iran của chúng tôi đang hướng tới thất bại trong chính sách về Afghanistan."

Ông Thomas Lynch, chuyên gia ở trường Đại học Quốc phòng Quốc gia và cựu sỹ quan quân đội Mỹ, người đã cố vấn cho Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ về chính sách Nam Á, nhận xét: "Khía cạnh kinh tế thực sự quan trọng để có được một chút hy vọng về việc Afghanistan thoát khỏi một nền kinh tế bị đất liền bao quanh và dựa vào thuốc phiện."

Bằng cách ngăn cản sự phát triển của cảng Chabahar, Mỹ sẽ khiến Afghanistan phụ thuộc vào Pakistan, một đối tác thương mại chính và cửa ngõ ra thế giới của nước này. Điều này sẽ làm suy yếu một mục tiêu khác của ông Trump là gây sức ép vơi Islamabad để đóng cửa những nơi ẩn náu của các phiến quân Afghanistan tại khu vực giáp ranh biên giới và buộc các phiến quân tham gia hòa đàm.

Các quan chức Afghanistan đã vất vả vận động hành lang để những công ty của nước này đang hoạt động qua Chabahar được miễn trừng phạt và đang đợi câu trả lời rõ ràng từ phía Washington./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Tàu ngầm INS Arihant. (Nguồn: Hindustan Times)

Ấn Độ hạ thủy tàu ngầm hạt nhân thứ tư

Tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSBN) thứ tư của Ấn Độ, được gọi là S4*, đã được hạ thủy tại Trung tâm Đóng tàu ở Visakhapatnam vào hôm 16/10.