EU kích hoạt "cơ chế phong tỏa" để bảo vệ các công ty tại Iran

Châu Âu sẽ kích hoạt "cơ chế phong tỏa" nhằm giúp bảo vệ các doanh nghiệp châu Âu đối phó với các lệnh trừng phạt của Mỹ trong trường hợp Mỹ áp đặt trừng phạt Iran.
EU kích hoạt "cơ chế phong tỏa" để bảo vệ các công ty tại Iran ảnh 1Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker. (Nguồn: AP)

Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker cho biết châu Âu sẽ kích hoạt "cơ chế phong tỏa" từ 10 giờ 30 sáng 18/5 (giờ địa phương) nhằm giúp bảo vệ các doanh nghiệp châu Âu đối phó với các lệnh trừng phạt của Mỹ trong trường hợp Mỹ áp đặt trừng phạt Iran gây ảnh hưởng tới các công ty châu Âu đang làm ăn tại đây.

Phát biểu với báo giới sau một hội nghị các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) tại thủ đô Sofia của Bulgaria, ông Juncker cho biết: "EC có nhiệm vụ bảo vệ các công ty châu Âu. Chúng tôi cần hành động ngay bây giờ và đó là lý do tại sao chúng tôi khởi động tiến trình kích hoạt 'cơ chế phong tỏa' có từ năm 1996."

Theo ông Juncker, EC cũng đã cho phép Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB) tạo điều kiện cho hoạt động đầu tư của các công ty châu Âu tại Iran, và bản thân EC sẽ tiếp tục duy trì hợp tác với Iran.

Ông Juncker cũng cho biết thêm rằng EU đã sẵn sàng khởi động các cuộc đàm phán tự do hóa thương mại với Mỹ trong một số lĩnh vực nếu Washington vĩnh viễn miễn áp thuế đối với thép và nhôm cho châu lục này.

[EU sẵn sàng mở cửa thị trường, tránh cuộc chiến thương mại với Mỹ]

Tại cuộc họp trên, các nhà lãnh đạo EU đã nhất trí một quan điểm chung là kiên trì thực thi thỏa thuận hạt nhân Iran, mang tên Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA), và đã giao cho EC quyền áp dụng các biện pháp bảo vệ các lợi ích của các công ty châu Âu đang làm ăn với Tehran tránh khỏi các trừng phạt của Mỹ nếu cần.

Phát biểu với báo giới, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk nêu rõ: "Chúng tôi đã nhất trí đồng thuận rằng EU sẽ tiếp tục tuân thủ thỏa thuận hạt nhân chừng nào Iran cam kết đầy đủ với văn kiện này. Bên cạnh đó, EC được bật đèn xanh để sẵn sàng hành động bất cứ khi nào các lợi ích của châu Âu bị ảnh hưởng."

Biện pháp được gọi là "cơ chế phong tỏa" nêu trên ra đời từ năm 1996 liên quan tới tranh cãi về lệnh trừng phạt nhằm vào Cuba, Iran và Libya, song thực tế cơ chế này chưa được áp dụng do khi đó những tranh cãi về việc trừng phạt đã chìm xuống.

Tuy nhiên, trước nguy cơ về những tổn hại với các doanh nghiệp châu Âu, EC đã khởi động áp dụng cơ chế này với mục đích "cơ chế phong tỏa" sẽ ở tư thế sẵn sàng khi các lệnh trừng phạt của Mỹ bắt đầu có hiệu lực từ 6/8 tới.

Theo đó, EC sẽ khởi động tiến trình kích hoạt một đạo luật cấm các công ty châu Âu tuân thủ các trừng phạt của Mỹ chống Iran và không công nhận bất cứ phán quyết nào của tòa ép thực hiện lệnh trừng phạt của Mỹ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.