Lãi suất huy động ở các kỳ hạn ngắn dưới sáu tháng chính thức được Ngân hàng Nhà nước công bố giảm từ ngày 18/3. Theo đó, lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng giảm từ 1,2%/năm xuống 1%/năm; lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng xuống còn 6%/năm so với mức 7%/năm trước đó.
Sau công bố trên của Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại ngay lập tức cũng đồng loạt giảm lãi suất huy động và cho vay.
Ngay từ đầu giờ sáng 18/3, BIDV đã công bố áp dụng biểu lãi suất huy động và cho vay mới. Cụ thể, trần lãi suất tối đa là 5%/năm, 5,5%/năm, 6%/năm, 6,5%/năm, 7,5%/năm, tương ứng cho các kỳ hạn tiền gửi 1 tháng, 2 tháng, từ 3-5 tháng, từ 6-11 tháng và trên 12 tháng.
Đối với lãi suất không kỳ hạn và kỳ hạn dưới một tháng là 1%/năm. Cùng với đó, BIDV cũng thông báo hạ lãi suất cho vay. Theo đó, trần lãi suất cho vay ngắn hạn tiền đồng đối với các lĩnh vực ưu tiên chỉ còn 8%/năm.
Tại Sacombank cũng áp dụng mức lãi suất 5,7%/năm cho các khoản tiền gửi dưới 50 triệu đồng kỳ hạn 1 tháng, với số tiền gửi trên 50 triệu đồng lãi suất là 5,8%/năm.
Kỳ hạn 2 và 3 tháng lãi suất tại Sacombank là 5,7%/năm với khoản tiền gửi dưới 50 triệu đồng, trên 50 triệu đồng lãi suất là 6%/năm.
Biểu lãi suất của Ngân hàng Quân đội (MB) cũng điều chỉnh các mức lại suất kỳ hạn dưới một tháng là 1%, kỳ hạn từ 1-2 tháng là 5,8%, kỳ hạn từ 3-6 tháng là 6%.
Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VP Bank) tuy chưa điều chỉnh trên bảng niêm yết tại website của mình nhưng ngày hôm nay cũng đã tuân thủ quy định của Ngân hàng Nhà nước hạ các mức lãi suất tiết kiệm kỳ hạn dưới 6 tháng xuống còn 6% thay vì 6,4% trước đó.
Lãnh đạo nhiều ngân hàng cho biết, việc giảm lãi suất huy động sẽ không có tác động nhiều đến huy động vốn. Bởi lẽ, theo quyết định của Ngân hàng Nhà nước, chỉ cắt giảm lãi suất ở các kỳ hạn ngắn, do vậy, lãi suất kỳ hạn hạn sẽ hấp dẫn khách hàng hơn và nhiều người sẽ chuyển từ kỳ hạn giử ngắn hạn sang dài hạn. Và như vậy, sẽ tạo điều kiện cho nguồn vốn ngân hàng ổn định hơn.
Còn theo nhiều khách hàng, trong bối cảnh các kênh đầu tư tiềm khác tiềm ẩn nhiều rủi ro như hiện nay, lãi suất huy động dù có cắt giảm nhưng họ vẫn chọn gửi tiền vào ngân hàng vì sự an toàn của tiền đồng mà họ đang nắm giữ.
Chị Nguyễn Thùy Liên, một viên chức nhà nước cho biết, lãi suất bị cắt giảm 1% không phải là lớn, tuy nhiên chị cũng sẽ xem xét và chuyển sang gửi ở kỳ hạn dài để tăng thêm lợi nhuận.
“Hiện tại tôi đang tìm hiểu xem lãi suất ngân hàng nào cao hơn ở kỳ hạn dài để chuyển,” chị Liên nói./.