Toàn bộ 33 ngân hàng lớn nhất ở Mỹ đều vượt qua giai đoạn 1 của bài sát hạch năng lực thường niên của Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) về khả năng ứng phó trong trường hợp xảy ra một đợt suy giảm kinh tế mạnh.
Trong tuyên bố đưa ra ngày 23/6, Fed cho biết mặc dù phải đối mặt với "những tổn thất lớn" trong trường hợp nền kinh tế Mỹ rơi vào một đợt suy thoái kinh tế khắc nghiệt, song về tổng thể tất cả 33 ngân hàng hàng đầu đều được đánh giá có bản cân đối kế toán mạnh hơn và chất lượng tín dụng tốt hơn so với một năm trước.
Theo đó, những ngân hàng trên đều đáp ứng điều kiện khi vẫn duy trì tỷ lệ vốn cấp 1 trung bình ở mức 8,4%, cao hơn mốc vốn tối thiểu 4,5% nếu kịch bản xấu xảy ra.
Fed nhận định so với một năm trước, "sức khỏe" của các ngân hàng đã được cải thiện đáng kể sau khi đã chủ động tăng lượng vốn cũng như cải thiện chất lượng tín dụng của một số danh mục cho vay.
Deutsche Bank, American Express, Santander Holdings và Discover Financial Services là 4 ngân hàng có kết quả sát hạch tốt nhất, với tỷ lệ vốn cấp 1 đều vượt mức trung bình. Trong khi đó, những ngân hàng có kết quả kém nhất gồm Huntington Bancshares, BMO Financial, Ally Financial và Zions Bancorp.
Đây là lần thứ 6 Fed tiến hành sát hạch định kỳ năng lực vượt qua khủng hoảng của các ngân hàng kể từ năm 2009, thời điểm nền kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái trầm trọng nhất kể từ sau Cuộc đại suy thoái hồi thập niên 30 của thế kỷ trước.
Trong bài sát hạch năm nay, Fed đưa ra kịch bản xấu nhất về một đợt suy thoái nghiêm trọng với áp lực tài chính kéo dài khiến thị trường chứng khoán Mỹ lao dốc 50%, tỷ lệ thất nghiệp leo lên mức 10%, giá nhà đất giảm 25% và giá bất động sản thương mại giảm 30%.
Theo kịch bản này, Fed ước tính 33 ngân hàng lớn sẽ thiệt hại 385 tỷ USD trong 9 quý. Dự kiến, giai đoạn 2 của cuộc sát hạch sẽ diễn ra vào tuần tới./.