Bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế Ngân hàng Nhà nước cho biết tính đến ngày 15/9, các ngân hàng thương mại đã cam kết tổng tiền lãi được giảm khoảng 19.000 tỷ đồng.
Cũng theo bà Giang, trong thời gian Ngân hàng Nhà nước đã liên tục điều chỉnh giảm 4 lần các mức lãi suất điều hành với mức giảm 0,5%-2,0%/năm, trong bối cảnh lãi suất thế giới tiếp tục tăng và neo ở mức cao. Đến nay, mặt bằng lãi suất thị trường đã có xu hướng giảm (lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân của các giao dịch phát sinh mới giảm khoảng hơn 1,0% so với cuối năm 2022).
[Thống đốc NHNN: Nâng cao khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp]
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước thực hiện nhiều biện pháp để giảm lãi suất cho vay như khuyến khích tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí để ổn định mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh; có nhiều văn bản chỉ đạo và làm việc trực tiếp với các tổ chức tín dụng để đề nghị tiếp tục triển khai các biện pháp để giảm lãi suất tiền gửi; tiếp tục triển khai các giải pháp để giảm lãi suất cho vay đối với các khoản vay đang còn dư nợ hiện hữu và các khoản vay mới (phấn đấu mức giảm lãi suất tổi thiểu từ 1,5%-2%/năm).
Đối với chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 02, tính đến cuối tháng 8/2023, lũy kế tổng giá trị nợ (gốc và lãi) được cơ cấu thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ gần 121.000 tỷ đồng, với gần 124.000 lượt khách hàng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ.
Cũng theo bà Giang, đến nay đã có 13 ngân hàng thương mại đăng ký tham gia chương trình cho vay nông lâm, thủy sản gói tín dụng 15.000 tỷ đồng và đã thực hiện với doanh số giải ngân đạt gần 5.500 tỷ đồng (bằng 37% tổng số tiền cam kết), cho 2.000 lượt khách hàng vay vốn.
Để góp phần đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng trong tiếp cận tín dụng, bà Giang cho biết từ nay đến cuối năm tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, tăng cường chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin và các giải pháp khác để có điều kiện tiếp tục giảm lãi suất cho vay đối với cả khoản vay mới và dư nợ hiện hữu; rà soát, cắt giảm phí nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp, người dân.
Ngoài ra yêu cầu các tổ chức tín dụng chủ động xây dựng các chương trình, sản phẩm tín dụng với lãi suất hợp lý, đáp ứng linh hoạt nhu cầu của nhiều đối tượng, phân khúc khách hàng và tiếp tục rà soát, đơn giản hóa quy trình, thủ tục nội bộ để tạo thuận lợi cho khách hàng tăng khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn./.