Với lạm phát thấp, thanh khoản hệ thống dồi dào, mấy ngày qua các ngân hàng thương mại tiếp tục hạ lãi suất huy động tiền Việt Nam đồng (VND), sau khi đã điều chỉnh đáng kể trong năm 2014.
Giảm xuống dưới mức trần
Mấy ngày gần đây, các ngân hàng thương mại đã và đang “nhìn nhau” hạ lãi suất huy động thêm từ 0,2-0,4%/năm. Hiện nay, kỳ hạn 1 tháng của các ngân hàng thương mại dao động trong khoảng từ 4,4%-5%/năm; kỳ hạn 3 tháng từ 4,5%-5,1%/năm; kỳ hạn 6 tháng từ 5,3%-5,8%; kỳ hạn 12 tháng từ 5,9%-6,7/năm tùy vào từng ngân hàng.
Trong khi đó, tại VietinBank, Vietcombank, BIDV, biểu lãi suất chưa thay đổi so với tháng trước. Hiện lãi suất các kỳ hạn ngắn từ 3 đến 5 tháng vẫn được duy trì từ 4,9% đến 5,3% một năm. Diễn biến này không giống trước đây khi các ngân hàng quốc doanh nhờ có ưu thế về huy động hơn hẳn khối cổ phần nên thường chào lãi suất tiết kiệm khá thấp.
Tuy nhiên, lãi suất huy động của kỳ hạn 1 tháng của 3 ngân hàng quốc doanh hàng đầu hiện là 4%/năm, đây là mức thấp nhất trên thị trường hiện nay. Duy chỉ có Agribank đã thông báo giảm lãi suất từ ngày 2/3 nhưng kỳ hạn từ 3 đến 5 tháng không thấp hơn ở Sacombank, Eximbank.
Giải thích về chủ trương này, lãnh đạo của một ngân hàng có vốn nhà nước cho biết, tạm thời chưa có kế hoạch giảm lãi suất bởi so với mọi năm, nguồn vốn huy động hiện chỉ đủ cân đối chứ không quá dư thừa. "Lãi suất các kỳ hạn ngắn đã thấp rồi nên nếu giảm tiếp sẽ khó huy động thêm," vị này nói.
Qua đợt điều chỉnh này, lãi suất huy động của hệ thống ngân hàng phần lớn đã rút sâu dưới mức trần 5,5%/năm theo quy định của Ngân hàng Nhà nước đối với các kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng.
Sau khi hạ trần lãi suất quy định nói trên từ 6%/năm xuống 5,5%/năm vào ngày 29/10/2014, đến nay Ngân hàng Nhà nước chưa có thêm sự điều chỉnh nào. Thị trường vẫn đang đi trước và tự điều chỉnh.
Diễn biến giảm lãi suất huy động của một số ngân hàng xảy ra không lâu sau khi Ngân hàng HSBC đưa ra dự báo Ngân hàng Nhà nước có thể cắt giảm lãi suất thị trường mở (OMO) trên cơ sở lạm phát diễn biến tích cực. Cụ thể, HSBC tính toán, cơ quan điều hành có thể giảm lãi suất OMO thêm 0,5% về mức 4,5% để giảm bớt chi phí vốn, tạo ra các điều kiện tín dụng nới lỏng hơn.
Nguyên nhân lãi suất huy động giảm, theo ông Lê Quang Trung, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng thương mại cổ phần Quốc tế (VIB), là do tác động tích cực từ yếu tố lạm phát. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng Một, tháng Hai giảm so với các tháng trước đó.
Còn tiến sỹ Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng với mức lạm phát thấp như hiện nay Ngân hàng Nhà nước có thể hạ trần lãi suất huy động ngắn hạn từ đó tạo tiền đề để các ngân hàng giảm lãi suất cho vay ngắn hạn.
Tuy nhiên, ông Thành cũng thừa nhận, thực tế lãi suất huy động tại Việt Nam không chỉ gắn với câu chuyện lạm phát, dù nó là biến số rất quan trọng. Vì lãi suất đồng VND còn gắn tương quan giữa lãi suất đồng USD, liên quan đến cách thức điều hành tỷ giá với mức độ linh hoạt ra sao. Bởi nếu không xử lý, kiểm soát tốt, nhiều khả năng có sự dịch chuyển từ đồng tiền này sang đồng tiền khác. Ngoài ra, lãi suất còn phụ thuộc các biến số khác như mức độ biến động và phát triển của thị trường tài chính. Tức là lợi tức đối với việc cầm giữ tiền VND so với các loại tài sản tài chính khác như thế nào.
Tiền đề để giảm lãi suất cho vay
Theo đánh giá của các chuyên gia, đợt giảm lãi suất lần này là tiền đề để các ngân hàng chuẩn bị cắt giảm lãi suất cho vay trung dài hạn từ 1-1,5%/năm theo lời kêu gọi của Ngân hàng Nhà nước hồi đầu năm. Thông điệp mạnh mẽ của người đứng đầu ngành ngân hàng đang mang đến nhiều kỳ vọng lãi suất có thể được điều chỉnh xuống thấp hơn nữa trong thời gian tới.
Việc cắt giảm lãi suất huy động sẽ khiến “túi tiền” của người dân bị vơi bớt đi, nhưng bù lại sẽ tạo tác động tích cực để các ngân hàng giảm lãi suất cho vay. Tuy nhiên đó là về mặt lý thuyết, còn hiện tại, mức lãi suất cho vay vẫn còn khá cao. Lãi suất cho vay các lĩnh vực sản xuất kinh doanh đối với kỳ hạn ngắn từ 7-9%/năm; lãi vay sản xuất kinh doanh đối với kỳ hạn dài từ 9,5-11%/năm. Các mức lãi vay trên đều cao hơn từ 3-4,5%/năm so với lãi suất huy động cùng kỳ hạn.
Chính vì vậy ông Trung cho rằng, đã đến lúc các ngân hàng thương mại phải cân nhắc lại hoạt động huy động để cho vay của mình. Ông Trung phân tích, tăng trưởng tín dụng vẫn đang khó khi mà nền kinh tế đang chưa thực sự hồi phục trong khi đó nhu cầu vốn đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp vẫn rất lớn nhưng lãi suất lại đang ở mức cao khoảng 8-10%.
Ông Trung đề xuất, lãi suất cho vay ở mức 5-6% sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhiều hơn cho các doanh nghiệp, lúc đó mới đẩy được tăng trưởng tín dụng ra bên ngoài.
Giải thích thêm về điều này, tiến sỹ Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đông Á (DongABank) cho biết, việc ngân hàng điều chỉnh giảm lãi suất huy động căn cứ vào việc tính toán và cân đối lại “đầu vào-đầu ra”, cụ thể là cơ cấu nợ - huy động - cho vay của ngân hàng. Lãi suất huy động giảm chắc chắn sẽ kéo giảm lãi suất vay của các khoản vay mới thời gian tới. Hiện chênh lệch giữa lãi suất huy động, cho vay tại ngân hàng này dao động từ 3,5-3,7%/năm. Ít nhất phải sau một tháng nữa, khi các khoản vay mới được ký kết thì người vay mới được hưởng lãi suất vay giảm hơn so với hiện tại.
"Nguyên tắc kinh doanh ngân hàng không thể lấy khoản huy động cao để cho vay thấp, do vậy phải đến khi các khoản huy động giá rẻ hơn vào hệ thống và hợp đồng vay mới được ký thì chắc chắn người vay, doanh nghiệp sẽ được hưởng mức lãi suất cho vay mới với giá mềm hơn" ông Kiêm chia sẻ.
Còn về phía doanh nghiệp, ông Đoàn Trọng Lý, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Chăn nuôi chế biến và Xuất nhập khẩu (Aprocimex) cho biết: Doanh nghiệp nông nghiệp vẫn chưa nhận được hỗ trợ nhiều, đặc biệt là về vốn. Lãi suất cho vay 7-8% chỉ là danh nghĩa, trên thực tế hầu hết doanh nghiệp vẫn phải vay vốn với lãi suất 9%, một bộ phận chịu lãi suất 11-12%.
Theo ông Lý, lãi suất cho vay bình quân từ 7,5% trở xuống thì doanh nghiệp mới có thể sản xuất, kinh doanh và cạnh tranh được./.