Chính phủ Thụy Sĩ vừa quyết định sẽ đàm phán với các nước đối tác về chương trình tự động trao đổi thông tin tài khoản với khả năng dỡ bỏ cơ chế bảo mật ngân hàng nghiêm ngặt ở Thụy Sĩ vào năm 2018.
Cùng với những đổi thay trên, các ngân hàng Thụy Sĩ đang cố gắng quảng bá hình ảnh chuyên nghiệp và chuyển dịch sang khu vực châu Á-Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam.
Cựu Giám đốc Ngân hàng bang Vaud (Thụy Sĩ) Phạm Nam Kim đã trao đổi với phóng viên TTXVN tại Geneva về những thuận lợi và khó khăn của ngân hàng Việt Nam khi hợp tác với các đối tác nước ngoài nói chung và với các ngân hàng Thụy Sĩ nói riêng.
Theo ông Phạm Nam Kim, trước xu hướng minh bạch hóa tài khoản khách hàng trên thế giới, ngân hàng Thụy Sĩ đã cố gắng quảng bá hình ảnh chuyên nghiệp trong lĩnh vực quản lý để thu hút khách hàng.
Chiến lược này đã một phần nào thành công vì từ đầu năm nay vốn quản lý của các ngân hàng Thụy Sĩ vẫn tiếp tục tăng, đặc biệt ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, nơi tài sản của các tỷ phú chiếm 27% tài sản thế giới và đang ngày một tăng.
Các ngân hàng Thụy Sĩ vào khu vực này không phải để phát triển "những thiên đường trốn thuế" khác mà chủ yếu là để phục vụ 4,5 triệu khách hàng giàu có trong vùng.
Theo chuyên gia Phạm Nam Kim, thị trường ngân hàng Việt Nam được đánh giá rất cao, tiềm năng phát triển mạnh, nhất là trong viễn cảnh hội nhập khối kinh tế Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Nhưng việc thành lập một ngân hàng hay một chi nhánh tại Việt Nam còn phải qua nhiều thủ tục và căn bản phải tạo một mạng lưới chi nhánh rất tốn kém. Do vậy, giới tài chính Thụy Sĩ nghiêng về phương án trở thành đối tác chiến lược của một ngân hàng Việt Nam, nhưng trên thực tế hạn mức hiện tại hạn chế nước ngoài kiểm soát hay thực sự tham dự vào quản lý ngân hàng.
Tuy vậy, có rất nhiều ngân hàng nước ngoài chịu đầu tư, với quan niệm đây chỉ là bước đệm trong khi chờ đợi những cơ hội trong tương lai, vì Việt Nam đã cam kết cởi mở thị trường tài chính trong khuôn khổ những hiệp định quốc tế của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và sắp tới là TPP.
Các ngân hàng Thụy Sĩ rất quan tâm tới thị trường tài chính Việt Nam, ngân hàng Credit Suisse (Thụy Sĩ) đã thực hiện nhiều thương vụ đình đám trong mảng dịch vụ ngân hàng đầu tư, rất nhiều ngân hàng Thụy Sĩ là ngân hàng đại lý của ngân hàng Việt Nam.
Tuy nhiên để tiến thêm một bước, trở thành đối tác chiến lược của một ngân hàng Việt Nam thì sẽ phải có một số thay đổi.
Thụy Sĩ phải chấp nhận bước đầu hợp tác với một ngân hàng bán lẻ với viễn cảnh trong tương lai có thể chuyển qua quản lý tài sản.
Các ngân hàng Thụy Sĩ cũng mong muốn thực sự có quyền lãnh đạo và như vậy sẽ không dừng ở mức thông lệ 20%./.