Tờ Business Times (Singapore) đã đăng bài bình luận thể hiện quan điểm của tờ báo này về vấn đề điều chỉnh chính sách tiền tệ nới lỏng của các ngân hàng trung ương.
Theo bài viết, đã tròn một năm kể từ khi các ngân hàng trung ương trên toàn thế giới, được dẫn dắt bởi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), quyết định giảm lãi suất về gần 0%, giải phóng các “cơn sóng tiền tệ” của họ và dỡ bở tất cả các “nút chặn” nhằm thúc đẩy các nền kinh tế vốn bị đại dịch COVID-19 tấn công mạnh mẽ.
Mới đây nhất, Fed ngày 17/3 đã quyết định tiếp tục giữ mức lãi suất chủ chốt gần bằng 0%, và dự báo sẽ không tăng lãi suất cho đến năm 2023 cũng như cam kết duy trì biện pháp mua trái phiếu.
Quyết định của Fed đã không gây bất ngờ khi vào thời điểm hiện tại, nền kinh tế toàn cầu đang chứng kiến sự phục hồi rõ rệt trong bối cảnh tâm lý lạc quan về việc triển khai vaccine hứa hẹn không còn có sự bùng phát lây nhiễm hậu COVID-19.
Ngoài Fed, các ngân hàng trung ương tại gần 10 quốc gia (bao gồm Mỹ, Anh và Nhật Bản) cũng đã nhóm họp và quyết định giữ cho thị trường ở mức cạnh tranh.
Khi khối lượng lớn các gói kích thích tài khóa làm gia tăng lo ngại về các vấn đề như áp lực lạm phát, bong bóng tài sản và lợi suất trái phiếu tăng, các thị trường “đang tự hỏi” các ngân hàng trung ương (chủ yếu là Fed - cơ quan được cho là thiết lập xu hướng cho phần còn lại của thế giới) sẽ làm thế nào để dỡ bỏ các biện pháp nới lỏng.
[Chính sách kinh tế đường ai nấy đi của Mỹ và Trung Quốc]
Hàng loạt các cuộc họp về chính sách trên toàn cầu sẽ cung cấp cho các thị trường rất nhiều thứ để phân tích, bao gồm quan điểm của các nhà hoạch định chính sách về nền kinh tế của họ. Các nhà đầu tư sẽ theo dõi tín hiệu hoặc gợi ý về xu hướng tỷ giá trong những năm tiếp theo để định hướng các quyết định đầu tư.
Chắc chắn là không ai cho rằng “sự hào phóng” sẽ kết thúc trong năm nay hoặc năm sau, hay việc Fed sẽ thực hiện những thay đổi chính sách tại cuộc họp thứ hai của cơ quan này trong năm nay. Điều tương tự cũng xảy ra với các ngân hàng trung ương các quốc gia khác.
Tuần trước, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cho biết, họ sẽ tăng cường mua tài sản trong một nỗ lực nhằm kiềm chế việc lợi tức trái phiếu gia tăng có thể làm chệch hướng sự phục hồi kinh tế của khối.
Trong khi đó, Ngân hàng Dự trữ Australia (RBA) đã gây bất ngờ cho thị trường vào tháng trước khi quyết định mua thêm trái phiếu.
Kỳ vọng lãi suất tăng và lợi tức trái phiếu tăng phản ánh sự lạc quan ngày càng lớn của nền kinh tế. Kinh tế Mỹ dự kiến sẽ tăng trưởng vào năm 2021 với tốc độ nhanh nhất trong nhiều thập kỷ qua, được hỗ trợ bởi môi trường lãi suất cực thấp.
Kể từ cuộc họp vào tháng 1/2021 của Ủy ban Thị trường mở Liên bang Mỹ (FOMC), triển vọng của nền kinh tế lớn nhất thế giới đã “tươi sáng” lên đáng kể.
Trong khi đó, việc triển khai tiêm vaccine tích cực và gói cứu trợ COVID-19 khổng lồ trị giá 1.900 tỷ USD cũng mang lại một cú hích lớn. Nền kinh tế Mỹ phục hồi được kỳ vọng sẽ thúc đẩy câu chuyện tăng trưởng đồng bộ ở phần còn lại của thế giới.
Trong khi đó tại Vương quốc Anh, các chuyên gia kỳ vọng Ngân hàng trung ương Anh (BoE) sẽ tuân thủ các chính sách tiền tệ nới lỏng trong năm nay và năm tới. Vương quốc Anh đã đi trước nhiều nền kinh tế tiên tiến trong “cuộc đua tiêm chủng vaccine COVID-19” với hy vọng đại dịch này có thể sớm bị “đánh lui” ở Anh, ngay cả khi các khu vực khác của châu Âu tiếp tục bị ảnh hưởng bởi sự gia tăng số ca bệnh và xảy ra những trục trặc nghiêm trọng trong tiến trình triển khai tiêm vaccine.
Trong khi đó, Vương quốc Anh đã công bố dữ liệu kinh tế đáng khích lệ đánh dấu sự khởi đầu mạnh mẽ cho năm 2021 khi nước này dần dần mở cửa lại nền kinh tế.
Tại châu Á, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) cũng dự kiến sẽ thông báo vào ngày 19/3 rằng họ sẽ tiếp tục với một chính sách tiền tệ nới lỏng. Đặt trong bối cảnh một sự phục hồi kinh tế mới “chớm nở” ban đầu, một số người nói rằng điều này thậm chí có thể gợi ý về một phạm vi nhất định của việc áp dụng tỷ lệ lãi suất ở mức dưới 0% trong ngắn hạn.
Khi nền kinh tế toàn cầu phục hồi trở lại sau cuộc suy thoái do đại dịch COVID-19 gây ra, các ngân hàng trung ương phải có cách tiếp cận cân bằng đầy khó khăn giữa chủ nghĩa lạc quan kinh tế và vấn đề tránh lạm phát.
Trong bối cảnh đó, những hoạt động thắt chặt vội vàng sẽ làm “trật bánh” sự phát triển vốn còn mong manh với hàng triệu người vẫn đang thất nghiệp.
Do đó, việc các nguồn cung tiền tệ sẽ vẫn mở và chi phí đi vay vẫn được giữ ở mức thấp - ít nhất là cho đến khi nền kinh tế trở lại mức trước đại dịch COVID-19 - là điều không ngạc nhiên./.