Các nghiệp đoàn Mỹ phản đối chính sách cắt giảm khí thải độc hại

Được các nhóm hoạt động về môi trường và đa số dân chúng Mỹ ủng hộ, nhưng đề xuất cắt giảm khí thải của chính quyền Obama đang vấp phải sự phản đối của các nghiệp đoàn lao động.
Các nghiệp đoàn Mỹ phản đối chính sách cắt giảm khí thải độc hại ảnh 1Chính sách cắt giảm khí thải của ông Obama bị phản đối. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Được các nhóm hoạt động về môi trường và đa số dân chúng Mỹ ủng hộ, nhưng đề xuất cắt giảm khí thải độc hại của chính quyền Barack Obama hiện đang vấp phải sự phản đối của các nghiệp đoàn lao động.

Phóng viên TTXVN tại Washington ngày 18/8 cho biết hiện nay một số tổ chức lao động, trong đó có nghiệp đoàn công nhân điện International Brotherhood of Electrical Workers (IBEW) và nghiệp đoàn công nhân mỏ của Mỹ United Mine Workers of America (UMWA), đang mở chiến dịch phản đối đề xuất của Cơ quan Bảo vệ môi trường (EPA), theo đó quy định đến năm 2030 các nhà máy điện của Mỹ phải cắt giảm 30% khí thải dioxide carbon (CO2) so với mức năm 2005, vốn được được coi là một thủ phạm gây ra hiện tượng hiệu ứng nhà kính, làm biến đổi môi trường khí quyển.

Đây là chiến dịch tiếp theo của các tổ chức nghiệp đoàn lao động ở Mỹ tiếp theo chiến dịch chỉ trích Nhà Trắng nhiều năm qua cố tìm cách trì hoãn kế hoạch xây dựng tuyến đường ống dẫn dầu Keystone XL từ Canada ở phía Bắc sang bang Texas ở phía Nam nước Mỹ.

Tuần trước, trong bài viết đăng tải rộng rãi trên các phương tiện truyền thông, Chủ tịch nghiệp đoàn IBEW với hơn 700.000 công nhân, ông Edwin Hill, cho rằng kế hoạch trên đây của EPA sẽ có ảnh hưởng lớn đối với toàn bộ nền kinh tế Mỹ trong khi chỉ thu được hiệu quả rất nhỏ đối với lượng khí thải độc hại toàn cầu.

Ông Hill cảnh báo kế hoạch này có nguy cơ làm mất khoảng 52.000 việc làm trực tiếp tại các cơ sở sản xuất điện, khai khoáng và các tuyến tàu hỏa và khoảng 100.000 việc làm khác trong các ngành công nghiệp có liên quan. Ngoài ra, theo ông Hill, kế hoạch này cũng sẽ dẫn tới những thiệt hại và chi phí lớn khi các nhà máy điện chạy bằng than phải đóng cửa và phải xây dựng thêm các nhà máy điện mới.

Trước đó, Chủ tịch nghiệp đoàn UMWA, ông Cecil Robert, cũng ra thông cáo báo chí cảnh báo rằng kế hoạch của EPA có nguy cơ đến năm 2020 làm mất khoảng 75.000 việc làm trực tiếp trong các công ty khai thác than, công nhân điện và các lực lượng lao động hữu quan.

Ngoài việc giúp giảm thiểu tác động đối với môi trường, theo tính toán của EPA, kế hoạch trên đây đến năm 2030 sẽ mang lại từ 55 tỷ USD đến 93 tỷ USD cho nước Mỹ, nếu xét về lợi ích môi trường, sức khỏe và y tế, trong đó có việc ngăn chặn được cái chết đối với hàng nghìn người bị mắc bệnh hen suyễn do hàng ngày phải hít thở khí độc thải ra từ các nhà máy điện. Kế hoạch trên đây của EPA là bước đi cụ thể thực hiện tuyên bố ngày 2/6 vừa qua của Tổng thống Obama, theo đó nước Mỹ trong 15 năm tới sẽ cắt giảm 30% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính.

Kế hoạch của EPA không cần phải Quốc hội phê chuẩn và dự kiến sẽ chính thức đi vào thực hiện từ tháng 6/2016 để các nhà máy điện hiện có của Mỹ, nhất là các nhà máy điện sử dụng than đá, có thời gian để lập kế hoạch hoặc có những thay đổi để thỏa mãn các quy định mới của Nhà Trắng. Một số nghị sỹ của đảng Cộng hòa tại Quốc hội đã lên tiếng phản đối đề xuất này.

Thượng nghị sỹ Mitch McConnell, thủ lĩnh phe thiểu số Cộng hòa tại Thượng viện, đã ra thông cáo báo chí cho rằng kế hoạch trên đây của Tổng thống Obama không chỉ làm mất nhiều việc làm của người lao động Mỹ mà còn làm tăng chi phí sinh hoạt của các gia đình.

Theo thống kê, ngành điện Mỹ hiện vẫn phải sử dụng than để sản xuất ra 38% tổng nguồn điện năng trong khi các máy phát điện chạy bằng khí tự nhiên mới sản xuất ra 30%, các lò phản ứng các nhà máy điện hạt nhân là 19%, thủy điện sản xuất ra 7% sản lượng điện và 5% do các nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng gió, Mặt Trời.

Kết quả thăm dò chung do Washington Post/ABC News công bố hồi tháng Sáu vừa qua cho thấy có 63% số người dân Mỹ được hỏi ý kiến nói rằng họ ủng hộ kế hoạch của Nhà Trắng áp đặt các điều kiện nghiêm ngặt hơn đối với các nhà máy điện, nhát là nhà máy điện sử dụng than đá./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục