Các nhà lãnh đạo Đức, Pháp, Italy tìm cách phục hồi EU sau Brexit

Tổng thống Pháp François Hollande nhấn mạnh nguy cơ lớn nhất đối với châu Âu cũng như các quốc gia thành viên là sự "chệch hướng, phân mảnh và ích kỷ."
Các nhà lãnh đạo Đức, Pháp, Italy tìm cách phục hồi EU sau Brexit ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Daily Mail)

Thủ tướng Italy Matteo Renzi, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp François Hollande ngày 22/8 đã kêu gọi 27 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) tìm "hơi thở mới" tại Hội nghị thượng đỉnh bất thường EU diễn ra vào giữa tháng 9 tới ở Bratislava (Slovakia), sau sự kiện cử tri Anh bỏ phiếu quyết định rời khỏi EU (Brexit).

Phát biểu với báo giới trên tàu sân bay Garibaldi, ngoài khơi đảo Ventotene của Italy, sau cuộc gặp thượng đỉnh châu Âu thu hẹp giữa lãnh đạo 3 quốc gia đầu tàu là Đức, Pháp, Italy, Tổng thống François Hollande nhấn mạnh nguy cơ lớn nhất đối với châu Âu cũng như các quốc gia thành viên là sự "chệch hướng, phân mảnh và ích kỷ."

Về phần mình, Thủ tướng Italy Matteo Renzi khẳng định EU sẽ không tan rã sau sự kiện Brexit.

Brexit và hậu quả của nó đối với tương lai của EU là chủ đề chính trong cuộc họp giữa lãnh đạo 3 quốc gia hàng đầu của EU. Đây là cuộc gặp lần thứ hai của các nhà lãnh đạo này kể từ sau cuộc trưng cầu dân ý ở Anh về việc rời khỏi EU.

Bên cạnh đó, các nhà lãnh đạo Đức, Pháp, Italy cũng nhấn mạnh đến các biện pháp mạnh mẽ để thúc đầy tăng trưởng và chống nạn thất nghiệp trong giới trẻ. Thủ tướng Italy kêu gọi các nước châu Âu theo đuổi chính sách tài chính khắc khổ và cân bằng ngân sách.

Về vấn đề này, Thủ tướng Đức Merkel khẳng định thỏa thuận về ổn định ngân sách châu Âu sẽ đem lại sự linh hoạt để có thể sử dụng ngân sách một cách thông minh. Bà Merkel cũng lên tiếng bảo vệ chính sách "thắt lưng buộc bụng" mà Đức đang tiến hành.

Bên cạnh đó, Tổng thống Pháp Hollande cũng nhấn mạnh đến phần đóng góp của Pháp trong Kế hoạch Juncker trị giá 315 tỷ euro từ năm 2015-2018 nhằm thúc đẩy đầu tư ở châu Âu. Theo ông, kết hoạch này không chỉ nên kéo dài mà cũng cần phải tăng ngân sách. Ông tuyên bố Pháp sẽ tăng gấp đôi phần đóng góp của mình.

Dưới chế độ phátxít, hòn đảo Ventotene nằm gần Vịnh Napoli là nơi lưu đày hàng trăm người thuộc phe đối lập. Trong số họ, có ông Altiero Spinelli, một trong những tác giả của cuốn sách chung "Vì một châu Âu tự do và đoàn kết" được viết năm 1941.

Ở Vantotene, ba nhà lãnh đạo chủ chốt của EU cũng đã tới viếng mộ ông Altiero Spinelli, nhân vật được coi là một trong những người sáng lập EU./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.