Các nước EU 'bật đèn xanh' cho triển khai thỏa thuận hậu Brexit

Các đại sứ của các quốc gia thành viên EU đã họp tại Brussels để thông qua thỏa thuận, với một quy trình bắt đầu được kích hoạt từ 15 giờ ngày 29/12 (21 giờ, giờ Việt Nam).
Các nước EU 'bật đèn xanh' cho triển khai thỏa thuận hậu Brexit ảnh 1Cờ Liên minh châu Âu và quốc kỳ Anh trong cuộc tuần hành của các nhà hoạt động xã hội ở Brighton, miền Nam Anh. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 28/12, một đại diện của Đức - nước giữ vai trò Chủ tịch luân phiên Liên minh châu Âu (EU) - cho biết 27 quốc gia thành viên đã "bật đèn xanh" cho thỏa thuận quan hệ song phương với Anh thời hậu Brexit được kích hoạt từ ngày 1/1/2021.

Cụ thể, ông Sebastian Fischer cho biết đại sứ của các quốc gia thành viên EU đã đồng loạt nhất trí áp dụng tạm thời Thỏa thuận Thương mại và Hợp tác EU-Anh.

Các đại sứ của các quốc gia thành viên EU đã họp tại Brussels để thông qua thỏa thuận, với một quy trình bắt đầu được kích hoạt từ 15 giờ ngày 29/12 (21 giờ, giờ Việt Nam).

Việc này sẽ cho phép hai bên tạm thời tiếp tục trao đổi thương mại phi thuế quan sau khi Anh chính thức rời khỏi thị trường chung EU từ đêm 31/12.

[Anh chính thức công bố toàn văn thỏa thuận thương mại với EU]

Việc các quốc gia nhất trí triển khai tạm thời sẽ giúp kích hoạt thỏa thuận kịp thời để ngăn chặn kịch bản gián đoạn thương mại song phương sau đêm 31/12.

Giai đoạn triển khai sắp tới chỉ là tạm thời vì thỏa thuận muốn có hiệu lực đầy đủ cần được Nghị viện châu Âu (EP) phê chuẩn. Tuy nhiên, do hai bên đạt thỏa thuận quá sát thời hạn kết thúc giai đoạn chuyển giao (tối 24/12), EP không có đủ thời gian nghiên cứu và thảo luận để kịp phê chuẩn trước ngày 1/1/2021. Cơ quan này có khả năng sẽ đưa thỏa thuận ra bỏ phiếu vào cuối tháng 2/2021.

Dự kiến, Quốc hội Anh sẽ nhóm họp vào ngày 30/12 để tiến hành bỏ phiếu thông qua thỏa thuận với EU.

Hiện đảng cầm quyền của Thủ tướng Boris Johnson đang nắm giữ thế đa số tại Hạ viện và Công đảng đối lập cũng cam kết ủng hộ, nên thỏa thuận thương mại hậu Brexit sẽ dễ dàng được thông qua tại Hạ viện Anh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.