Các nước EU kỳ vọng vào "Kế hoạch Marshall" mới của châu Âu

Tin tức về thỏa thuận được ví như "Kế hoạch Marshall" chống đại dịch COVID-19 đã giúp giá trị đồng euro tăng lên mức cao nhất trong bốn tháng qua, đạt 1 euro đổi được 1,1470 USD.
Các nước EU kỳ vọng vào "Kế hoạch Marshall" mới của châu Âu ảnh 1Toàn cảnh Hội nghị thượng đỉnh EU ở Brussels, Bỉ ngày 18/7/2020. (Ảnh: THX/TTXVN)

Sau hơn bốn ngày họp căng thẳng, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đã vượt qua những khác biệt để cùng đồng thuận về đề xuất ngân sách lớn chưa từng có lên tới hơn 1.000 tỷ euro (gần 1.200 tỷ USD) cho bảy năm tới và quỹ phục hồi kinh tế trong giai đoạn hậu đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trị giá 750 tỷ euro (860 tỷ USD).

Tin tức về thỏa thuận được ví như "Kế hoạch Marshall" chống đại dịch COVID-19 đã giúp giá trị đồng euro tăng lên mức cao nhất trong bốn tháng qua, đạt 1 euro đổi được 1,1470 USD.

Từ tín hiệu cho sự lạc quan

Sau khi Hội nghị thượng đỉnh EU đạt đồng thuận về kế hoạch kích thích kinh tế quy mô lớn nhằm phục hồi sau đại dịch COVID-19, lãnh đạo nhiều nước EU đã lên tiếng ca ngợi kết quả mới đạt được này.

Phát biểu tại họp báo sau hội nghị, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel cho biết: "Thỏa thuận này gửi đi dấu hiệu cụ thể về sức mạnh hành động của châu Âu và là thời khắc trọng đại trong hành trình của EU đến tương lai."

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết thỏa thuận thực sự mang tính lịch sử, giúp khối có thể chia sẻ các nguồn lực tài chính nhằm chống lại các thách thức của COVID-19.

Theo ông, thỏa thuận đã đạt được sau các cuộc thương lượng kéo dài và khó khăn, nhưng các nhượng bộ cũng rất lớn và cần thiết để đi đến một kế hoạch phục hồi đủ lớn và có hiệu quả.

Cũng phát biểu tại họp báo chung với Tổng thống Pháp, Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết thỏa thuận của EU cho thấy liên minh này hoàn toàn có khả năng cùng nhau hành động, ngay cả trong cuộc khủng hoảng lớn nhất, và sẵn sàng vạch ra những lối đi mới trong những bối cảnh bất thường.

Trong khi đó, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte - quốc gia đi đầu trong nhóm chủ trương tiết kiệm chi tiêu, trong đó có Áo, Thụy Điển và Đan Mạch, khẳng định mối quan hệ của ông với các lãnh đạo EU khác vẫn vững, sau nhiều ngày đàm phán khó khăn về quỹ trên.

Ông Rutte bày tỏ "rất vui khi đạt thỏa thuận," đồng thời cho biết "không có gì không hài lòng" với văn kiện này.

Còn Thủ tướng Italy Giuseppe Conte cho biết Italy "rất hài lòng" với thỏa thuận trên, đồng thời tin tưởng rằng quỹ phục hồi "đầy tham vọng" của EU sẽ cho phép liên minh đối mặt với cuộc khủng hoảng y tế "một cách mạnh mẽ và hiệu quả."

Ông Conte cho biết 28% trong số 750 tỷ euro, tức là khoảng 209 tỷ euro đã được nhất trí dành cho Italy, trong đó 81 tỷ euro dưới dạng hỗ trợ và 127 tỷ euro dưới dạng cho vay.

Cùng chung quan điểm trên, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez nhấn mạnh việc thông qua kế hoạch đầy tham vọng lần này là cần thiết trong bối cảnh khủng hoảng y tế đang tiếp tục đe dọa "Lục địa Già."

Về phần mình, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen đã lên tiếng bác bỏ những chỉ trích nói rằng việc đạt được thỏa thuận ngân sách mới của EU phải đánh đổi bằng những vấn đề bảo vệ pháp quyền và biến đổi khí hậu.

[Lãnh đạo EU đạt thỏa thuận về quỹ phục hồi kinh tế hậu COVID-19]

Trả lời phỏng vấn với hãng tin Đức DPA ngày 21/7, Chủ tịch EC von der Leyen nhấn mạnh: “Chúng tôi đã đạt được một cam kết cụ thể về pháp quyền và nguyên tắc mà lợi ích tài chính của EU phải được đảm bảo một cách hiệu quả."

Bên cạnh đó, bà Von der Leyen cũng bác bỏ ý kiến "phàn nàn" của nhà hoạt động môi trường Greta Thunberg nói rằng ngân sách của EU đã "bỏ qua" vấn đề ấm lên toàn cầu. Bà Von der Leyen cho rằng các mục tiêu bảo vệ khí hậu và số tiền phải chi cho bảo vệ khí hậu đã tăng từ 25% lên 30%.

Bà Von der Leyen nhấn mạnh Thỏa thuận Xanh châu Âu là một trong những ưu tiên chính cho các kế hoạch tái thiết ở các nước thành viên. Quỹ Chuyển đổi công bằng (JTF) thậm chí đã được tăng gấp đôi so với kế hoạch ban đầu và đó là sự tập trung rõ ràng cho vấn đề khí hậu.

Đến kỳ vọng vực dậy nền kinh tế

Bộ trưởng Kinh tế Đức Peter Altmaier ngày 21/7 cho biết, kế hoạch phục hồi kinh tế nói trên của EU sẽ giúp khối này.

Phục hồi nhanh hơn từ cuộc khủng hoảng do đại dịch COVID-19 và lấy lại đà tăng trưởng vào năm 2021. Phát biểu tại một cuộc họp báo ở Berlin, ông Altmaier coi sự đồng thuận của EU về kế hoạch phục hồi trên là tin tốt cho hàng triệu người ở Đức và trên khắp châu Âu.

Theo Bộ trưởng Altmaier, gói kích thích trên sẽ đảm bảo rằng việc phục hồi sẽ diễn ra nhanh hơn so với trường hợp không có gói tài chính trên.

Ông Altmaier nói thêm rằng bước đột phá tại Hội nghị thượng đỉnh EU đã làm tăng đáng kể cơ hội cho Đức - nền kinh tế hàng đầu của châu Âu và một cường quốc xuất khẩu. Ông cũng hy vọng vào năm 2021, tất cả các quốc gia thành viên EU sẽ trở lại giai đoạn tăng trưởng và phục hồi.

Các nước EU kỳ vọng vào "Kế hoạch Marshall" mới của châu Âu ảnh 2Người dân ở bên ngoài siêu thị ở Berlin, Đức. (Ảnh: THX/TTXVN)

Trong khi đó, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez cho biết Tây Ban Nha sẽ nhận được 140 tỷ euro (hơn 160 tỷ USD) từ Quỹ phục hồi kinh tế của EU sau khi các lãnh đạo EU đã nhất trí thông qua gói hỗ trợ kinh tế nói trên sau bốn ngày đàm phán căng thẳng.

Tây Ban Nha sẽ nhận hơn 50% số tiền trên, tương đương 72,7 tỷ euro, dưới hình thức viện trợ, trong khi phần còn lại là tín dụng. Theo ông Sanchez, “đây là một thỏa thuận to lớn đối với châu Âu cũng như Tây Ban Nha và châu Âu đã thiết lập cơ sở cho hành động phản ứng với cuộc khủng hoảng do COVID-19 mà không đánh mất tầm nhìn về tương lai."

Ông Sanchez cho biết Tây Ban Nha sẽ sử dụng số tiền trên để khuyến khích đầu tư vào quá trình chuyển đổi kỹ thuật số của nền kinh tế nước này, quá trình chuyển sang sử dụng các nguồn năng lượng “xanh” hơn và lĩnh vực giáo dục trong nước.

Về phần mình Thủ tướng Italy Conte khẳng định nước này có trách nhiệm lớn với gói giải cứu 209 tỷ euro và sẽ thay đổi diện mạo đất nước. Thủ tướng Conte cho rằng đây là "thời khắc lịch sử của Italy và châu Âu," thỏa thuận được đưa ra tại Hội nghị thượng đỉnh là kế hoạch phục hồi đầy tham vọng và phù hợp với cuộc khủng hoảng mà EU đang đối mặt. Kết quả của Hội nghị cũng là một thành công lớn của Chính phủ Italy, một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do đại dịch COVID-19.

Đây cũng là nhận định chung của nhiều quan chức ở các nước châu Âu khi họ đều đánh giá EU đã đạt được một thỏa thuận lịch sử, đặc biệt khi đây là lần đầu tiên lãnh đạo các nước EU gặp mặt trực tiếp trong vòng năm tháng kể từ đầu đại dịch COVID-19.

Tìm được đồng thuận về gói phục hồi kinh tế trị giá 750 tỷ euro được coi là thách thức sống còn với 27 nước EU, khi nhiều quốc gia EU đang rơi vào khủng hoảng kinh tế trầm trọng. Khu vực sử dụng đồng tiền chung euro (Eurozone) có nguy cơ tan vỡ nếu các nước EU không đạt đồng thuận.

Giới chuyên gia nhận định, kết quả của hội nghị trên được cho là mang ý nghĩa biểu tượng, phần nào chứng tỏ các nhà lãnh đạo EU đã cùng nhau nỗ lực hết sức nhằm đối phó với tình thế vô cùng nghiêm trọng do đại dịch COVID-19 gây ra.

Trên thực tế, EU vẫn đang hứng chịu những dư âm của một thập niên đầy biến động, từ cuộc khủng hoảng nợ tại các nước Nam Âu, bất ổn của nền kinh tế Eurozone, làn sóng người tị nạn và cú sốc do việc nước Anh rời khỏi "mái nhà chung."

Dù vẫn còn sự khác biệt giữa các quốc gia thành viên EU, nhưng có thể nói qua Hội nghị thượng đỉnh kéo dài lần này EU đã thể hiện tinh thần trách nhiệm cao và đoàn kết để cùng vượt qua những thách thức trước mắt và lâu dài./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.