Các nước EU yêu cầu công dân không can dự vào xung đột tại Ukraine

Bảy Bộ trưởng Tư pháp các nước Pháp, Đức, Hà Lan, Tây Ban Nha, Italy, Luxembourg và Bỉ, ngày 28/3 yêu cầu công dân nước họ không gia nhập đội quân tình nguyện can dự vào cuộc xung đột ở Ukraine.
Các nước EU yêu cầu công dân không can dự vào xung đột tại Ukraine ảnh 1Những tòa nhà bị phá hủy trong xung đột tại tại phía bắc thủ đô Kiev, Ukraine ngày 21/3 vừa qua. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Bảy quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) ngày 28/3 đã yêu cầu công dân nước họ không tham gia vào cuộc xung đột ở Ukraine.

Yêu cầu này được Bộ trưởng Tư pháp các nước Pháp, Đức, Hà Lan, Tây Ban Nha, Italy, Luxembourg và Bỉ đưa ra sau cuộc gặp tại Brussels.

Theo tuyên bố chung, các nước trên nhất trí yêu cầu công dân không gia nhập đội quân tình nguyện can dự vào cuộc xung đột ở Ukraine.

Sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt vào ngày 24/2 vừa qua tại Ukraine, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã kêu gọi người nước ngoài tham gia Quân đoàn quốc tế (International Legion) đến hỗ trợ nước này.

Hôm 6/3 vừa qua, Ukraine cho biết có khoảng 20.000 người đã đáp lại lời kêu gọi này của Tổng thống Zelensky.

[Điện Kremlin xác nhận đàm phán Nga-Ukraine chưa có đột phá] 

Theo trang tin NTV của Đức ngày 28/3, Latvia không muốn duy trì cấp "thị thực vàng" cho công dân các nước không thuộc EU.

Phóng viên TTXVN tại Berlin dẫn nguồn tin trên cho biết việc cấp "thị thực vàng" được Latvia thực hiện cho tới nay nhằm thu hút đầu tư vào quốc gia EU ở vùng Baltic này. Tuy nhiên, phát biểu sau cuộc họp với các đảng trong Chính phủ Latvia, Thủ tướng nước này Krisjanis Karins khẳng định Latvia sẽ chấm dứt chương trình này.

Theo nguồn tin, việc thay đổi quy định chủ yếu nhằm chấm dứt cấp giấy phép cư trú cho người Nga và Belarus. Theo Cơ quan Di trú Latvia, nước này hiện đã cấp giấy phép cư trú tạm thời cho hơn 10.000 công dân Nga, trong đó gần một nửa thông qua việc mua bất động sản.

Trong khi đó, Slovenia đã mở trở lại Đại sứ quán tại Kiev vào ngày 28/3 sau khi sơ tán toàn bộ nhân viên ngoại giao khỏi Ukraine vào ngày 26/2 vừa qua.

Theo Bộ Ngoại giao Slovenia, Đại biện lâm thời Bostjan Lesjak đã mở cửa trở lại Đại sứ quán tại Kiev, trong khi Đại sứ Tomaz Mencin tiếp tục làm việc từ thành phố Rzeszow thuộc Ba Lan, nằm sát biên giới với Ukraine. 

Một đại diện của Chính phủ Slovenia ngày 28/3 cho biết đến nay có khoảng 7.000 người sơ tán từ Ukraine xin tạm trú tại Slovenia, nước nằm giữa Áo, Hungary, Croatia và Italy./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.