Các nước láng giềng nhóm họp thảo luận về khủng hoảng Libya

Cuộc họp giữa các nước láng giềng của Libya nhằm ủng hộ giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng tại quốc gia này dưới sự bảo trợ của Liên hợp quốc.
Đặc phái viên Liên hợp quốc về Libya Martin Kobler (giữa) và đại diện các nước láng giềng thảo luận các giải pháp cho cuộc xung đột Libya tại Hội nghị ở Cairo. (Nguồn: THX/TTXVN)

Ngày 16/2, Ngoại trưởng Tunisia Khémaies Jhinaoui cho biết nước này sẽ tổ chức cuộc họp các nước láng giềng của Libya với sự tham gia của ngoại trưởng 3 nước Algeria, Tunisia và Ai Cập vào ngày 1/3 tới để thảo luận tình hình Libya.

Cuộc họp sẽ điểm lại những kết quả các cuộc tiếp xúc vừa qua của 3 nước trên với các phe phái đối địch tại Libya nhằm giải quyết khủng hoảng tại quốc gia Bắc Phi này, cũng như nhằm chuẩn bị cho các cuộc đàm phán mới giữa các bên tại Libya.

Ông Jhinaoui tái khẳng định cuộc họp theo sáng kiến của Tunisia sẽ tập trung vào 4 vấn đề: kéo các bên đối địch tại Libya ngồi vào bàn đàm phán, bác bỏ giải pháp quân sự có thể làm leo thang khủng hoảng tại Libya, kêu gọi các bên đối địch giảm nhẹ tranh chấp và cụ thể hóa thỏa thuận chính trị.

Cuộc họp này cũng nhằm ủng hộ giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng tại Libya dưới sự bảo trợ của Liên hợp quốc.

Liên quan đến tình hình Libya, cùng ngày, người đứng đầu chính phủ được Liên hợp quốc công nhận tại Libya, ông Fayez Serraj khẳng định một cơ hội tốt để giải quyết xung đột tại Libya đã bị bỏ lỡ sau khi chỉ huy quân đội phe đối lập, Tướng Khalifa Haftar từ chối tham dự cuộc gặp hai bên dự kiến vào ngày 14/2 tại Cairo theo sáng kiến của Ai Cập, nhằm thảo luận những sửa đổi của thỏa thuận chính trị mà các bên đã ký tháng 12/2015 tại Maroc.

Trong khi đó, ngày 15/2, Ai Cập thông báo hai bên đối địch tại Libya đã đạt được thỏa thuận về thành lập ủy ban chung chịu trách nhiệm chuẩn bị sửa đổi thỏa thuận hòa bình Maroc. Tuy nhiên, thông cáo của ông Sarraj không đề cập bất cứ thỏa thuận nào, đồng thời nhấn mạnh sự thất bại của các nỗ lực giải quyết khủng hoảng do những quan điểm chính trị cứng nhắc.

Libya vẫn đang trong tình trạng chia rẽ chính trị giữa các chính phủ đối địch bất chấp việc các bên đã ký thỏa thuận hòa bình dưới sự bảo trợ của Liên hợp quốc hồi tháng 12/2015.

Theo thỏa thuận này, Chính phủ đoàn kết dân tộc (GNA) do Hội đồng Tổng thống lãnh đạo, đứng đầu là Thủ tướng Fayez Serraj đã được thành lập và bắt đầu hoạt động ở Tripoli từ ngày 30/3/2016.

Mặc dù vậy, cho đến nay GNA vẫn đang phải nỗ lực xác lập quyền lãnh đạo trên cả nước trong bối cảnh quốc hội do dân bầu hiện đang đóng tại Tobruk, miền Đông Libya, vẫn từ chối ủng hộ tiến trình này trong khi chính quyền ở Tripoli lại không muốn từ bỏ quyền lực./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục