Ngày 23/2, Liên đoàn Arab (AL) và các nước Ai Cập, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ đã đồng loạt hoan nghênh thỏa thuận Mỹ-Nga về chấm dứt các hành động thù địch tại Syria.
Trong một tuyên bố, AL kêu gọi tất cả các bên trong cuộc xung đột ở Syria tuân thủ các điều khoản của thỏa thuận ngừng bắn được Mỹ và Nga công bố ngày 22/2. Tổng thư ký AL Nabil Elaraby cho rằng thỏa thuận này sẽ là “một bước tiến quan trọng hướng tới một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng.”
Bộ Ngoại giao Ai Cập cũng tuyên bố "hoan nghênh thỏa thuận dừng các hoạt động thù địch” tại Syria vừa đạt được giữa Mỹ và Nga, coi đây là một bước quan trọng nhằm tạo điều kiện để tiến hành các hoạt động viện trợ nhân đạo của Liên hợp quốc cho người dân Syria và cần thiết để đạt được một giải pháp chính trị.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ai Cập Ahmed Abu Zeid nêu rõ thỏa thuận này là cần thiết để chấm dứt bạo lực và tạo ra môi trường thích hợp cho giải pháp chính trị dưới sự bảo trợ của Liên hợp quốc hướng tới một thỏa thuận đầy đủ cho một lệnh ngừng bắn.
Theo quan chức ngoại giao này, giai đoạn tiếp theo sẽ đòi hỏi sự cam kết của tất cả các bên để đưa thỏa thuận có hiệu lực và các bên cần phải đặt lợi ích của người dân Syria lên trên. Tuyên bố cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chiến đấu chống lại các tổ chức khủng bố tại Syria.
Iran cũng thể hiện lập trường ủng hộ việc thiết lập một lệnh ngừng bắn ở Syria. Thứ trưởng Ngoại giao Iran phụ trách các vấn đề Arab và châu Phi Hossein Amir-Abdollahian tuyên bố Iran tin rằng Chính phủ Syria sẽ giữ vững các cam kết nhằm thực thi thỏa thuận ngừng bắn, và Tehran sẽ làm hết sức mình để chống chủ nghĩa khủng bố, thiết lập lệnh ngừng bắn lâu dài, tạo điều kiện cho các hoạt động viện trợ nhân đạo và duy trì các cuộc đàm phán Syria dưới sự giám sát của Liên hợp quốc.
Phát biểu với báo giới tại Ankara, Phó Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Numan Kurtulmus cho biết Thổ Nhĩ Kỳ hoan nghênh thỏa thuận ngừng bắn ở Syria, nhưng “không mấy lạc quan về việc thỏa thuận sẽ được tất cả các bên tôn trọng.”
Ông Kurtulmus cũng cảnh báo nếu cần thiết, Thổ Nhĩ Kỳ có thể tiếp tục nã pháo vào các mục tiêu của người Kurd tại Syria, ngay cả sau khi lệnh ngừng bắn có hiệu lực.
Trước đó, ngày 22/2, Mỹ và Nga đã nhất trí về các điều khoản tạm thời cho kế hoạch ngừng bắn dự kiến sẽ có hiệu lực từ ngày 27/2.
Theo thỏa thuận giữa Washington và Moskva, chính quyền Syria và các phe phái đối lập sẽ công bố chấp thuận kế hoạch chậm nhất là vào 12h:00 theo giờ Damascus (10h giờ GMT) ngày 27/2.
Chính phủ Syria ngày 23/2 đã tuyên bố chấp thuận các điều khoản của kế hoạch ngừng bắn. Theo tuyên bố của Bộ Ngoại giao Syria, Chính phủ nước này sẽ ngừng các hoạt động chiến đấu nhưng sẽ “duy trì những nỗ lực chống khủng bố” nhằm vào tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và Mặt trận Al-Nusra có quan hệ với mạng lưới khủng bố quốc tế al-Qeada.
Trong khi đó, Ủy ban đàm phán cấp cao (HNC) - phe đối lập chính ở Syria- tuyên bố việc chấp nhận thỏa thuận ngừng bắn này phụ thuộc vào việc chấm dứt phong tỏa các khu vực kiểm soát của lực lượng đối lập, cho phép tiến hành hoạt động cứu trợ nhân đạo, trả tự do cho những người bị giam giữ và ngăn chặn các cuộc không kích nhằm vào dân thường./.