Ngày 13/10, các phe phái ở Palestine đã gặp nhau tại thủ đô Algiers của Algeria trong nỗ lực tiến tới một thỏa thuận hòa giải, trong đó có đặt ra khung thời gian để tổ chức các cuộc bầu cử trong vòng 1 năm tới.
Người đứng đầu phái đoàn Phong trào Giải phóng dân tộc Palestine (Fatah), ông Azzam al-Ahmed, nhấn mạnh người Palestine đã chia rẽ trong hơn 15 năm qua, điều này làm suy yếu cuộc đấu tranh chính nghĩa của Palestine.
Trong khi đó, người đứng đầu phong trào Hồi giáo Hamas, Ismael Haniyeh, đánh giá tính cực về các cuộc đàm phán bắt đầu từ ngày 11/10, với vai trò trung gian của Algeria.
[Palestine kêu gọi cộng đồng quốc tế bảo vệ giải pháp hai nhà nước]
Hossam Badran, một quan chức cấp cao của Hamas, cho biết phong trào này đã "đồng ý tổ chức bầu cử Hội đồng Lập pháp Palestine, bầu cử tổng thống và Hội đồng Dân tộc Palestine trong vòng 1 năm."
Tuy nhiên, phong trào Fatah đã làm dấy lên nghi ngờ vào đêm 12/10 rằng một dự thảo thỏa thuận sẽ được ký kết.
Dự thảo này yêu cầu các thành viên của bất kỳ chính phủ đoàn kết dân tộc nào đều phải tuân theo luật pháp quốc tế, song đây là quan điểm mà phía Hamas bác bỏ.
Phong trào Fatah của Tổng thống Mahmud Abbas và phong trào đối địch Hamas đã mâu thuẫn với nhau kể từ các cuộc bầu cử năm 2006, khi Hamas giành chiến thắng nhưng không được cộng đồng quốc tế công nhận.
Nhiều tháng sau đó, phong trào Hồi giáo này đã giành quyền kiểm soát Dải Gaza trong một cuộc xung đột đẫm máu, dẫn tới chia rẽ sâu sắc kéo dài nhiều năm, với việc Fatah quản lý các khu vực ở Bờ Tây bị Israel chiếm đóng.
Các cuộc bầu cử quốc hội và bầu cử tổng thống lần đầu tiên kể từ sau tình trạng chia rẽ này được lên kế hoạch tổ chức vào năm ngoái, nhưng cuối cùng đã bị hủy bỏ./.