Các phe xung đột ở miền Đông Ukraine hoãn kế hoạch rút quân

Động thái này sẽ cản trở quá trình tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh trực tiếp đầu tiên giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky.
Các phe xung đột ở miền Đông Ukraine hoãn kế hoạch rút quân ảnh 1Binh sĩ Ukraine tại khu vực Shyrokyne ở miền Đông nước này. (Ảnh: AFP/ TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại khu vực SNG, quân đội chính phủ và các lực lượng đối lập ở miền Đông Ukraine đã hoãn giai đoạn rút quân cuối cùng dự kiến diễn ra ngày 4/11. Động thái này sẽ cản trở quá trình tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh trực tiếp đầu tiên giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky.

Theo kế hoạch, hội nghị thượng đỉnh trên sẽ do Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Angela Merkel làm trung gian. Tuần trước, các bên đã hoàn tất giai đoạn rút quân và khí tài khỏi khu vực tiền tuyến chủ chốt Zolote-4 ở miền Đông Ukraine.

Dự kiến, hai bên sẽ bắt đầu đợt rút quân tương tự ở làng Petrivske thuộc tỉnh Donetsk trong ngày 4/11. Tuy nhiên, phía chính quyền Kiev cho biết kế hoạch không thể thực hiện do lực lượng đòi độc lập vi phạm lệnh ngừng bắn và Kiev sẽ hoãn việc rút quân đến ngày 8/11.

[Tổng thống Nga sẵn sàng tham gia hội nghị Bộ Tứ Normandy]

Phát biểu trước báo giới tại Kiev, Ngoại trưởng Ukraine Vadym Prystaiko cho rằng các bên cần ngừng bắn hoàn toàn trong 7 ngày trước khi việc rút quân có thể bắt đầu. Người phát ngôn quân đội Ukraine, ông Andriy Ageev cho biết hạn chót ngày 8/11 sẽ được tuân thủ "trừ khi không có những đợt bắn phá mới". Trước đó, các quan sát viên Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) đã ghi nhận nhiều vụ vi phạm lệnh ngừng bắn gần Petrivske vào ngày 30/10.

Việc rút quân ở miền Đông Ukraine vốn được xem là rào cản cuối cùng trước khi các nhà lãnh đạo Ukraine, Nga, Pháp và Đức có thể cùng thảo luận về một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột dai dẳng, vốn đã cướp đi sinh mạng của hơn 13.000 người kể từ năm 2014 tới nay.

Tháng 8 vừa qua,  Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã kêu gọi tổ chức một hội nghị thượng đỉnh theo thể thức Bộ tứ Normandy nhằm giải quyết xung đột ở miền Đông Ukraine. Lần gần nhất hội nghị thượng đỉnh của nhóm Normandy về tình hình Ukraine được tiến hành là vào năm 2016 tại Berlin (Đức)./. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.