Các phi hành gia Trung Quốc trở về an toàn sau 3 tháng trên quỹ đạo

Sau 3 tháng sống và làm việc trên quỹ đạo Trái Đất, 3 phi hành gia của Trung Quốc đã hạ cánh an toàn xuống khu tự trị Nội Mông ở phía Bắc nước này vào chiều 17/9.
Các phi hành gia Trung Quốc trở về an toàn sau 3 tháng trên quỹ đạo ảnh 1Lễ tiễn 3 phi hành gia lên trạm không gian mới tại bãi phóng Tửu Tuyền trên sa mạc Gobi ở Tây Bắc Trung Quốc, ngày 17/6/2021. (Ảnh: THX/TTXVN)

Ngày 17/9, các phi hành gia Trung Quốc đã trở về Trái Đất an toàn sau 3 tháng sống và làm việc trên quỹ đạo. Đây là sứ mệnh dài nhất từ trước đến nay của phi hành gia Trung Quốc và là dấu mốc mới nhất trong nỗ lực của nước này nhằm trở thành cường quốc vũ trụ.

Đài truyền hình trung ương Trung Quốc CCTV đưa tin thiết bị hạ cánh mang theo 3 nam phi hành gia gồm Nhiếp Hải Thắng, Lưu Bá Minh và Thang Hồng Ba, đã đáp an toàn xuống khu tự trị Nội Mông, phía Bắc Trung Quốc vào 13 giờ 34 phút chiều 17/9.

Các phi hành gia đều trong tình trạng “sức khoẻ tốt” sau sứ mệnh kéo dài 90 ngày. Các hình ảnh được phát đi cho thấy các nhân viên y tế và nhóm hỗ trợ được trực thăng đưa tới bãi đáp trên.

Họ sẽ được cách ly 14 ngày trước khi được phép về nhà, "vì hệ miễn dịch của họ có thể đã suy yếu sau một sứ mệnh dài."

Trước đó, ngày 17/6 vừa qua, tàu vũ trụ Thần Châu 12 theo 3 phi hành gia trên đã được tên lửa đẩy Trường Chinh 2F phóng lên từ bãi phóng Tửu Tuyền trên sa mạc Gobi ở Tây Bắc Trung Quốc.

Thần Châu 12 đã kết nối thành công với với cổng phía trước của module lõi Thiên Hòa trong cùng ngày, hình thành một phức hợp 3 module cùng với tàu chở hàng Thiên Châu 2.

[SpaceX thực hiện sứ mệnh đưa phi hành gia không chuyên lên vũ trụ]

Ba phi hành gia đã sống trong module lõi Thiên Hòa và đã thực hiện chuyến đi bộ ngoài không gian, lắp đặt và kiểm tra các thiết bị trên trạm vũ trụ Thiên Cung. Trước khi tàu Thần Châu 12 tách khỏi module lõi Thiên Hòa, các phi hành gia đã chuyển các dữ liệu thí nghiệm về Trái Đất.

Cuộc phóng tàu vũ trụ Thần Châu 12 là sứ mệnh thứ ba trong vòng chưa đầy 2 tháng trong nỗ lực thúc đẩy mạnh mẽ chương trình xây dựng trạm không gian của Trung Quốc.

Các phi hành gia Trung Quốc trở về an toàn sau 3 tháng trên quỹ đạo ảnh 2Tàu Thần Châu 12 được phóng lên bằng tên lửa đẩy Trường Chinh 2F từ bãi phóng Tửu Tuyền trên sa mạc Gobi ở phía Tây Bắc Trung Quốc, ngày 17/6/2021. (Ảnh: THX/TTXVN)

Trước đó, Trung Quốc đã phóng thành công module lõi Thiên hoà của trạm không gian vào ngày 29/4 và tàu chở hàng Thiên Châu 2 vào ngày 29/5.

Căn cứ quy hoạch xây dựng trạm không gian Thiên Cung (Tiangong) của Trung Quốc, trong năm 2021 và 2022, nước này thực hiện 11 lần phóng tên lửa để đưa module lõi của trạm không gian, tàu vũ trụ có người lái, tàu vũ trụ chở hàng lên không gian.

Dự kiến, đến năm 2022 nước này sẽ hoàn tất việc xây dựng và đưa vào vận hành trạm không gian Thiên Cung nặng 100 tấn và có không gian tối đa cho 3 nhà khoa học làm việc lâu dài.

Thiên Cung sẽ hoạt động trong quỹ đạo thấp của Trái Đất và ở độ cao từ 340-450 km so với mặt đất. Đây là trạm không gian đầu tiên của Trung Quốc hoạt động dài ngày trên quỹ đạo địa tĩnh.

Module lõi Thiên Hòa dài 16,6m, đường kính 4,2m, là nơi các phi hành gia sống và kiểm soát toàn bộ trạm từ bên trong. Trong khi đó, hai phòng thí nghiệm sẽ là nơi tiến hành các thí nghiệm khoa học.

Sau khi Trạm không gian quốc tế (ISS) dự kiến ngừng hoạt động vào năm 2025, trạm Thiên Cung của Trung Quốc sẽ trở thành trạm vũ trụ duy nhất trong không gian./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Toàn cảnh mùa giải Nobel năm 2024

Toàn cảnh mùa giải Nobel năm 2024

Lễ trao các giải Nobel Y Sinh, Vật lý, Hóa học, Kinh tế năm 2024 sẽ được tổ chức tại thủ đô Stockholm (Thụy Điển), riêng giải Nobel Hòa bình sẽ được trao tại thủ đô Oslo (Na Uy) vào ngày 10/12.