Tổ chức khủng bố Hồi giáo tự xưng (IS) đang dùng những kỹ xảo lấy từ phim ảnh, trò chơi điện tử và các kênh tin tức để lan truyền thông điệp của chúng. Vậy hoạt động này đang diễn ra như thế nào, và thế giới nên phản ứng lại ra sao ?
Năm 1941, đạo diễn Hollywood Frank Capra được giao nhiệm vụ sản xuất một loạt phim tuyên truyền khi Mỹ tham gia Thế chiến 2. Cảm xúc choáng váng trước bộ phim "Triumph Of The Will" của Leni Riefenstahl với khả năng tác động như một vũ khí tinh thần hủy diệt mọi ý chí kháng cự lại Phát xít Đức khiến Capra tự hỏi: làm thế nào người Mỹ có thể cạnh tranh được? Và rồi ông tìm ra câu trả lời: phải dùng chính vũ khí của kẻ thù để chống lại chúng.
Loạt phim tài liệu dài 7 tập mang tên "Why We Fight" có sử dụng một số đoạn phim của "Triumph Of The Will" và các bộ phim tuyên truyền khác đã đạt được thành công khi chỉ ra cho người xem họ cần chiến đầu để chống lại sự tàn ác của quân Phát xít.
Ngày nay, tình huống này có vẻ đã bị đảo ngược. Tổ chức khủng bố IS không chỉ kiểm soát các kho vũ khí của Mỹ để phản công ở Iraq mà còn dùng các phương tiện truyền thông của phương Tây để phục vụ cho mục đích tuyên truyền của chúng, như Youtube, Twitter, Instagram, Tumblr và các mạng xã hội khác.
Video và hình ảnh được lính bộ binh IS đăng tải mỗi ngày, rồi được lan truyền khắp toàn cầu bởi cả những người dùng bình thường và những cơ quan tin tức chính thống khao khát thấy những hình ảnh về cuộc xung đột mà họ không thể tiếp cận.
Hoạt động truyền thông toàn cầu của IS có hai mục đích chính: trêu tức Mỹ và liên quân, cũng như tuyển mộ thêm binh sĩ ngoài khu vực Trung Đông. Và có vẻ như IS đã đạt được cả hai mục đích. Những đoạn video quay cảnh hành quyết các con tin James Foley, Steven Sotloff, David Haines, hay mới đây nhất là Alan Henning đã thúc đẩy lực lượng quân sự phương Tây tham chiến. Cùng lúc, các quốc gia này cũng chứng kiến nhiều công dân của họ rời nước để đến gia nhập IS.
Trong các đoạn video được công bố, Foley, Sotloff và các con tin khác đều bị ép phải chỉ trích "thói tự mãn và tội ác" của chính phủ Mỹ, cũng như cảnh cáo họ đừng can thiệp.
Phóng viên ảnh người Anh John Cantlie, dưới sức ép của những kẻ bắt cóc thậm chí còn đưa ra những lý lẽ và phân tích rõ ràng để thuyết phục người xem. Cách quay phim thể hiện trong các đoạn video cũng cho thấy kỹ xảo thường dùng trong các phim tài liệu và phỏng vấn hiện đại. Tại sao IS phải làm vậy? Chúng đang cố khiến các đoạn video này trông chuyên nghiệp hơn, thậm chí là hấp dẫn hơn với người xem.
Tham vọng sử dụng truyền thông của IS thể hiện rõ nhất tại các sản phẩm từ "Trung tâm Truyền thông Al Hayat" của tổ chức này. Tuy cùng tên với tờ báo tiếng Arab Al Hayat, nhưng Truyền thông Al Hayat lại nhắm vào những khán giả không nói tiếng Arab, đặc biệt là những người trẻ tuổi, với những sản phẩm gần với tiêu chuẩn tin tức chính thống hơn bất cứ thứ gì những kẻ cực đoan IS từng tạo ra.
Trung tâm này cũng có logo biểu tượng, và các bản tin thường xuất hiện logo này hoặc hình lá cờ của IS. Ngôn ngữ được sử dụng trong các bản tin chủ yếu là tiếng Đức, Anh và Pháp, với độ dài tin từ 1 phút đến 1 tiếng đồng hồ. Trung tâm này còn sản xuất các nội dung tuyên truyền dưới dạng audio và xuất bản một tờ tạp chí tiếng Anh dưới dạng PDF gọi là Dabiq Issue.
Các chương trình của Truyền thông Al Hayat rất đa dạng. Các binh sĩ IS từ Phần Lan, Indonesia, Bỉ, Anh và các quốc gia khác thường xuyên xuất hiện để bày tỏ niềm hạnh phúc của họ khi được ở đây. Thậm chí những hình ảnh các chiến binh IS phát kem cho trẻ em hay chăm sóc các đồng đội bị thương trong bệnh viện cũng được đưa lên để người xem thấy rằng tổ chức này không hoàn toàn đáng sợ.
Tuy vậy, những hình ảnh khủng khiếp hơn không phải là không có, như phim tài liệu "Flames Of War" với những hình ảnh tư liệu có thật như cảnh bom nổ, đấu súng, hành quyết và những xác chết cùng lời thuyết minh hoa mỹ nhằm thần thánh hóa quân đội IS. Từng khung hình trong phim đều được trau chuốt, và các kỹ xảo cũng như đồ họa và âm thanh được thực hiện khá chuyên nghiệp mặc dù theo các chuyên gia quay phim, tất cả đều được quay ở tiêu chuẩn thông thường bằng máy quay cầm tay.
Không ai biết kẻ đứng sau Trung tâm Truyền thông Al Hayat, nhưng nhiều khả năng đó là một kẻ có tên Abu Talha al-Almani, hay còn được gọi là Deso Dogg. Dogg từng là một rapper ở Đức, nhưng đã cải đạo sang Hồi giáo năm 2010 và tham chiến cùng IS ở Syria từ năm ngoái.
Tháng 4 năm nay, trước khi Al Hayat đi vào hoạt động, Dogg đã khoe rằng mình đã tiếp quản một vị trí trong lực lượng tuyên truyền của IS, mặc dù "lực lượng" này có thể chỉ bao gồm một người và một máy tinh xách tay.
Câu hỏi đặt ra với thế giới là: Chúng ta có thể làm gì? Trang Twitter Think Again Turn Away của Mỹ từng làm những đoạn video nhái lại từ các đoạn video tuyên truyền của IS nhằm chế giếu tổ chức này, nhưng có vẻ không được thành công khi IS lại nhái lại những đoạn video nhái đó để trêu tức Mỹ. Sự thật là, không những cần xem xét kỹ bản chất tàn bạo của IS, chúng ta cũng cần sự nhìn nhận đúng đắn về công lý của mình. Eugene Jarecki, một nhà làm phim tư liệu Mỹ cho rằng:
"Sao nước Mỹ không làm ra những đoạn video thừa nhận sai lầm của mình? Thế giới đang ngày càng giống như một ngôi làng toàn cầu, và chúng ta nên đáp lại nhu cầu của ngôi làng ấy bằng những trường học thay vì bom đạn, sự trợ giúp thay vì tàu chiến và giảm bớt những nỗi kinh hoàng. Đó là kiểu video tôi muốn xem."
IS cũng có thể sẽ phải tự mình chuốc lấy thất bại trong cuộc chiến tuyên truyền này. Khi đoạn video cầu xin tha mạng cho con tin Alan Henning được vợ anh và các thủ lĩnh Hồi giáo ở Anh đưa lên, trong đó nói rằng Alan đã tình nguyện cùng những người bạn Hồi giáo đến giúp đỡ người dân Syria, IS vẫn tiến hành hành quyết Henning.
Hành động này đã lộ ra bản chất vô nhân đạo và không theo đạo Hồi của chúng. Khi đã thu hút được sự chú ý của thế giới, những triết lý IS rao giảng lại bắt đầu tỏ ra không ăn khớp với hành động./.