Các quốc gia châu Phi đặt mục tiêu khôi phục 100 triệu ha rừng

Nhóm các quốc gia châu Phi và các nhà tài trợ đã công bố sáng kiến đầy tham vọng với mục tiêu từ nay tới năm 2030 sẽ phủ xanh 100 triệu ha diện tích đất trống đồi trọc và rừng thoái hóa.
Các quốc gia châu Phi đặt mục tiêu khôi phục 100 triệu ha rừng ảnh 1(Nguồn: AP)

Ngày 6/12, Nhóm các quốc gia châu Phi và các nhà tài trợ đã công bố sáng kiến đầy tham vọng với mục tiêu từ nay tới năm 2030 sẽ phủ xanh 100 triệu ha diện tích đất trống đồi trọc và rừng thoái hóa trên toàn "lục địa đen."

Dự án mang tên " Sáng kiến khôi phục rừng châu Phi" (AFR100) được ra đời trên ý tưởng tái trồng rừng, tăng diện tích thảm xanh thiên nhiên giúp hấp thu lượng lớn carbon trong môi trường, đồng thời tạo sinh kế cho người nghèo tại các vùng nông thôn. 10 quốc gia châu Phi, 9 đối tác tài chính và 10 đối tác kỹ thuật đã cam kết tham gia dự án.

Trong khi đó, Liên minh châu Phi (AU), Bộ Hợp tác và Phát triển kinh tế Đức, Viện Tài nguyên thế giới (WRI) và một tổ chức phi lợi nhuận của Mỹ sẽ là những tổ chức hỗ trợ. Dự án lần này được đánh giá mang tầm cỡ châu lục với quy mô lớn nhất kể từ trước tới nay.

Các quốc gia gồm CH Congo, Ethiopia, Kenya, Liberia, Madagascar, Malawi, Niger, Rwanda, Togo và Uganda đặt mục tiêu khôi phục hơn 30 triệu ha. Các đối tác khác trong đó có Ngân hàng Thế giới (WB) sẽ đóng góp trực tiếp 1 tỷ USD vào quỹ phát triển dự án và 540 triệu USD cho các quỹ đầu tư tư nhân hỗ trợ các hoạt động này.

Kế hoạch được công bố bên lề Hội nghị lần thứ 21 Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP21) diễn ra tại Paris (Pháp). Sau một ngày nghỉ, đại diện các quốc gia sẽ quay trở lại đàm phán vào ngày 7/12, bắt đầu giai đoạn nước rút với mục tiêu xây dựng một Nghị quyết chung về việc hạn chế lượng khí thải toàn cầu sau năm 2020, với sự đồng lòng của tất cả các quốc gia, bất kể giàu nghèo trước ngày 11/12.

Trong một diễn biến liên quan, chỉ một ngày trước khi các cuộc đàm phán bước vào giai đoạn nước rút, khoảng 10.000 nhà hoạt động vì môi trường đã tuần hành tại Bỉ nhằm kêu gọi các quốc gia đàm phán với tinh thần xây dựng để có thể đạt được một thỏa thuận chung "triển vọng, công bằng và có tính ràng buộc cao."

Phát biểu trước hàng nghìn người tại Vatican, Giáo hoàng Fracis cũng kêu gọi các bên tham gia đàm phán ưu tiên sự tồn vong của toàn thể nhân loại lên hàng đầu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục