Ngày 12/10, Văn phòng giảm thiểu rủi ro thiên tai của Liên hợp quốc cho biết các thảm họa liên quan đến thời tiết có sự gia tăng đột biến trong vòng 20 năm qua, với số lượng các thảm họa thiên tai được báo cáo đã tăng từ hơn 4.000 trong giai đoạn 1980-1999 lên 7.348 trong giai đoạn 2000-2019.
Trong một báo cáo được công bố một ngày trước Ngày Quốc tế giảm thiểu rủi ro thiên tai (13/10), Văn phòng giảm thiểu rủi ro thiên tai của Liên hợp quốc cho biết châu Á là nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do thiên tai, và nắng nóng sẽ là mối nguy hiểm lớn nhất mà nhân loại phải đối mặt trong thập kỷ tới. Báo cáo cũng "xác nhận các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt đã đến mức chi phối bối cảnh thiên tai trong thế kỷ 21."
Trong giai đoạn 2000-2019, 7.348 thảm họa thiên tai đã xảy ra khiến 1,23 triệu người thiệt mạng, ảnh hưởng đến 4,2 tỷ người - nhiều người trong số đó đã phải hứng chịu thiên tai nhiều hơn một lần, và dẫn đến thiệt hại kinh tế toàn cầu khoảng 2.970 tỷ USD.
Trong hai thập kỷ trước đó, từ 1980 đến 1999, có 4.212 thảm họa có liên quan đến thiên tai trên toàn thế giới, cướp đi sinh mạng của khoảng hơn 1 triệu người, ảnh hưởng đến hơn 3,2 tỷ người, dẫn đến thiệt hại kinh tế khoảng 1.630 tỷ USD.
[Số người bị ảnh hưởng bởi nắng nóng tăng gấp 4 lần vào cuối thế kỷ]
Mức độ thiên tai tăng lên được lý giải là do sự gia tăng các thảm họa liên quan đến khí hậu, bao gồm các hiện tượng thời tiết cực đoan tăng từ 3.656 trong giai đoạn 1980-1999 lên 6.681 thảm họa liên quan đến khí hậu trong giai đoạn 2000-2019.
Đại diện đặc biệt của Tổng thư ký Liên hợp quốc về giảm thiểu rủi ro thiên tai, bà Mami Mizutori cho rằng "chúng ta cố ý phá hoại. Đó là kết luận duy nhất mà người ta có thể đưa ra khi xem xét các sự kiện thiên tai trong 20 năm qua."
Bà Mami Mizutori đánh giá sự gia tăng gấp đôi các hiện tượng thời tiết cực đoan trong vòng 20 năm qua cho thấy sự cần thiết phải có một cách tiếp cận mới để quản lý rủi ro thiên tai nếu thế giới muốn hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra.
Đại diện đặc biệt của Tổng thư ký Liên hợp quốc về giảm thiểu rủi ro thiên tai nhấn mạnh "chúng ta có thể tự cô lập mình khỏi COVID-19, bằng cách này hay cách khác, nhưng chúng ta không thể tự cô lập mình khỏi những hiện tượng thời tiết khắc nghiệt này do nhiệt độ tăng cao, ngay cả ở các nước phát triển, chứ chưa nói đến các nước đang phát triển."
Trong khi đó, chuyên gia nghiên cứu sức khỏe cộng đồng tại Trung tâm Nghiên cứu dịch tễ học về thảm họa tại Đại học Louvain của Bỉ, Debarati Guha-Sapir cho biết "sóng nhiệt sẽ là thách thức lớn nhất của chúng ta trong 10 năm tới, đặc biệt là ở các nước nghèo. Nếu mức độ gia tăng này trong các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt tiếp tục trong vòng 20 năm tới, tương lai của nhân loại thực sự rất ảm đạm"./.