Các thành phố cần có hành động mạnh mẽ để đảm bảo thế giới không phát thải vượt quá "ngân sách carbon," ngưỡng thải carbon dioxide (C02) có thể chấp nhận được vì không gây ra biến đổi khí hậu ở mức nguy hiểm.
Báo cáo của Nhóm các thành phố dẫn đầu về ứng phó với biến đổi khí hậu (C40) công bố ngày 8/10 cho biết quyết sách của các đô thị trước năm 2020 có thể giúp tiết kiệm đáng kể "ngân sách carbon."
Các nhà khoa học trước đó đã tính toán rằng để giữ nhiệt độ Trái Đất tăng tối đa không quá 2 độ C so với mốc thời tiền công nghiệp, thế giới cần tuân thủ một "ngân sách carbon" cho phép phát thải trong phạm vi 1.000 gigatonne (Gt) tính từ thời điểm bắt đầu cuộc cách mạng công nghiệp tới khi thế giới ngừng hẳn phát thải CO2.
Tuy nhiên, 80% ngân sách này đã bị "tiêu tốn" do các hoạt động đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng của các quốc gia.
Báo cáo mới nhất của C40 tập trung vào việc sử dụng 200 Gt C02 còn lại trong "ngân sách carbon" trong 15 năm tới và tính toán rằng phát triển cơ sở hạ tầng đô thị không hợp lý có thể "ngốn" tiếp 31% ngân sách này.
Theo báo cáo, đầu tư thông minh vào cơ sở hạ tầng hiện đại trong 5 năm tới có thể giúp tiết kiệm gấp 4 lần so với tiếp tục mở rộng cơ sở hạ tầng hiện nay, bên cạnh đó các nước cần tiến tới thay thế toàn bộ các cơ sở cũ trong tương lai.
Liên quan tới những biện pháp các thành phố cần thực hiện trước năm 2020, Seth Schultz, Giám đốc Nghiên cứu, đo lường và kế hoạch của C40, cho hay giảm khí thải từ các tòa nhà và trong hoạt động giao thông là rất quan trọng, có thể giúp tiết kiệm đến 15 Gt CO2 vào năm 2030.
Kết hợp với các biện pháp quản lý hiệu quả khí thải tại các tòa nhà đô thị, các thành phố có thể tránh tiêu tốn 45 Gt CO2 vào năm 2030, gấp tám lần lượng khí thải hàng năm hiện nay của Mỹ.
Schultz nhấn mạnh nếu các thành phố không sớm có hành động mạnh mẽ, việc bảo đảm "ngân sách carbon" toàn cầu sẽ rất khó khăn.
Trong một tuyên bố, Thị trưởng thành phố Rio de Janeiro của Brazil Eduardo Paes, hiện đang giữ chức Chủ tịch C40, nhận định báo cáo này cho thấy các nước không nhất thiết phải chờ đợi kết quả của các cuộc đàm phán tại hội nghị thượng đỉnh Liên hợp quốc về chống biến đổi khí hậu (COP 21), dự kiến diễn ra tại Paris (Pháp) vào tháng 12 tới, mà thị trưởng và lãnh đạo các thành phố ngay bây giờ có thể hành động để bảo vệ "ngân sách carbon" toàn cầu.
Báo cáo trên được công bố tại một sự kiện tôn vinh thị trưởng thành phố các nước tổ chức ngày 8/10 tại Bộ Ngoại giao Mỹ.
Hoạt động này nằm trong khuôn khổ sáng kiến mang tên "Thành phố của chúng tôi, khí hậu của chúng tôi" hợp tác giữa Bộ Ngoại giao Mỹ và Quỹ từ thiện Bloomberg./.