Các thị trường chứng khoán châu Á phiên 13/12 diễn biến trái chiều, giá dầu tiếp tục đà giảm và giá vàng thấp nhất trong hơn 3 tuần, khi các nhà giao dịch chờ quyết định chính sách cuối cùng trong năm nay của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Chứng khoán châu Á diễn biến trái chiều
Chốt phiên, Chỉ số Hang Seng của Hong Kong (Trung Quốc) giảm 0,89%, hay 145,75 điểm, xuống 16.228,75 điểm. Chỉ số Shanghai Composite của Thượng Hải giảm 1,15%, hay 34,68 điểm, xuống 2.968,76 điểm. Trong khi đó, Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản tăng 0,25%, hay 82,65 điểm, lên 32.926,35 điểm.
Lạm phát tại Mỹ giảm nhẹ trong tháng trước, cho thấy Fed vẫn cần tiếp tục nỗ lực đưa lạm phát về mức mục tiêu.
Theo báo cáo của Bộ Lao động Mỹ, chỉ số giá tiêu dùng của nước này tăng 3,1% trong tháng 11/2023, sau khi tăng 3,2% trong tháng 10/2023.
Dù Fed được cho là sẽ hạ lãi suất trong năm tới, các nhà giao dịch cho rằng mức giảm sẽ thấp hơn và lần giảm đầu tiên sẽ muộn hơn dự kiến trước đó.
Tại cuộc họp trong hai ngày 12-13/12, Fed được nhận định rộng rãi là sẽ giữ nguyên lãi suất, nhưng thông báo sau cuộc họp và các phát biểu của Chủ tịch Fed Jerome Powell sẽ cho thấy các kế hoạch trong năm 2024.
Một loạt các số liệu cho thấy kinh tế Mỹ tăng trưởng chậm lại và thị trường lao động hạ nhiệt nhưng với tốc độ không gây lo ngại về nguy cơ suy thoái.
Tuy nhiên, ông Powell và một số quan chức Fed cho biết các quyết định sẽ được đưa ra dựa trên số liệu và vẫn để ngỏ khả năng tăng lãi suất nếu cần.
Giá dầu tiếp tục đà giảm
Giá dầu tiếp tục giảm trong phiên này, sau khi giảm hơn 3%, xuống mức thấp nhất trong sáu tháng trong phiên trước, do lo ngại nhu cầu giảm và dư cung.
Giá dầu Brent giao tháng 2/2024 giảm 33 xu Mỹ, hay 0,45%, xuống 72,91 USD/thùng vào lúc 13 giờ 21 phút (theo giờ Việt Nam). Giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ giao tháng 1/2024 giảm 29 xu Mỹ, hay 0,42%, xuống 68,32 USD/thùng.
Giá dầu giảm trong phiên trước khi số liệu lạm phát tại Mỹ tháng 11 làm tăng khả năng Fed chưa thể hạ lãi suất vào đầu năm tới, điều sẽ gây sức ép lên tiêu thụ dầu.
Trong khi đó, xuất khẩu dầu thô trung bình hàng tuần của Nga cao kỷ lục kể từ tháng 7/2023, gây thêm lo ngại về tình trạng dư cung và gây nghi ngờ về thỏa thuận cắt giảm sản lượng gần đây của Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ và các nước đồng minh.
Giá dầu thế giới ngày càng xuống thấp mặc dù OPEC+ đã cắt giảm sản lượng
Các kho dự trữ dầu thô và các sản phẩm tinh chế thương mại tại nhiều nước trong Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đạt tổng cộng 2,841 tỷ thùng tính đến cuối tháng 10/2023.
Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ đã nâng dự báo nguồn cung năm 2023 thêm 300.000 thùng/ngày so với dự báo trước, lên 12,93 triệu thùng/ngày.
Quyết định của Fed sau khi kết thúc cuộc họp trong ngày 13/12 sẽ có tác động dến thị trường, khi quan điểm ủng hộ thắt chặt chính sách hơn dự kiến có thể khiến giá dầu tiếp tục giảm.
Giá vàng giảm xuống mức thấp nhất trong hơn 3 tuần
Giá vàng phiên này giảm xuống mức thấp nhất trong hơn 3 tuần, khi đồng USD mạnh lên, trước khi Fed công bố quyết định chính sách trong ngày.
Giá vàng giao ngay giảm 0,2%, xuống 1.975,07 USD/ounce vào lúc 14 giờ 11 phút (theo giờ Việt Nam). Giá vàng kỳ hạn của Mỹ cũng giảm 0,2%, xuống 1.990,1 USD/ounce.
Đồng USD tăng 0,2% so với các đồng tiền đối thủ, khiến vàng đắt hơn với những người mua bằng các đồng tiền khác.
Các nhà giao dịch nhận định Fed sẽ giữ nguyên lãi suất ở mức 5,25-5,5% tại cuộc họp lần này và có 75% khả năng hạ lãi suất vào tháng 5/2024.
Vàng có xu hướng hưởng lợi khi lãi suất giảm, nhờ chi phí cơ hội cho việc nắm giữ tài sản không sinh lời này giảm đi./.