Các tỉnh miền núi phía Bắc vẫn tiếp tục hứng chịu thiên tai

Mưa lũ, sạt ở đất trên địa bàn các tỉnh Hòa Bình, Lào Cai, Yên Bái đã làm 6 nhà bị sập đổ, 48 nhà bị sạt lở, hư hỏng, 10ha lúa bị vùi lấp... tổng thiệt hại ước tính trên 1 tỷ đồng.
Các tỉnh miền núi phía Bắc vẫn tiếp tục hứng chịu thiên tai ảnh 1Mưa lũ gây sạt lở tại khu vực tổ 25-26, phường Đồng Tiến theo hướng ngả ra sông Đà, tỉnh Hòa Bình làm nhiều ngôi nhà đổ sụp. (Ảnh: Quang Quyết/TTXVN)

Tổng hợp từ báo cáo trong ngày 7/8 của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh Hòa Bình, Lào Cai, Yên Bái, mưa lũ, sạt ở đất trên địa bàn các tỉnh này đã làm 6 nhà bị sập đổ, 6 nhà phải di dời khẩn cấp, 48 nhà bị sạt lở, hư hỏng, 95 nhà bị ngập nước; 10ha lúa bị vùi lấp, 130,75ha lúa bị ảnh hưởng, 9.146 gia cầm bị chết, 50m đường bị sạt lở. Tổng thiệt hại ước tính trên 1 tỷ đồng.

Tại tỉnh Tây Ninh, ngày 4/8, trên địa bàn huyện Châu Thành đã xảy ra mưa lớn kèm lốc làm thiệt hại 15 căn nhà, ước tính giá trị thiệt hại 226 triệu đồng. Ủy ban Nhân dân xã Thanh Điền đã hỗ trợ hai hộ dân bị thiệt hại với kinh phí 3 triệu đồng từ nguồn ngân sách xã.

Hiện các địa phương đang tiếp tục thực hiện các giải pháp ứng phó, khắc phục và thống kê thiệt hại mưa lũ. Để ứng phó với thiên tai trong những ngày tới có thể xảy ra, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đề nghị các tỉnh hạ du hồ Sơn La, Hòa Bình, Tuyên Quang tổ chức kiểm tra phương án bảo đảm an toàn hạ du khi các hồ chứa xả lũ.

[Thủ tướng chỉ thị tăng cường quản lý, đảm bảo an toàn hồ, đập]

Các tỉnh ven biển từ Bình Thuận đến Kiên Giang thực hiện nghiêm túc Thông báo số 385 ngày 6/8 của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai gửi Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố từ Quảng Ninh đến Kiên Giang về việc ứng phó với vùng áp thấp trên khu vực giữa Biển Đông và thời tiết xấu trên vùng biển phía Nam.

Huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội tiếp tục vận hành các trạm bơm tiêu để đảm bảo kịp thời tiêu nước; tổ chức vệ sinh môi trường phòng tránh dịch bệnh lây lan tại những khu vực nước rút; xử lý nguồn nước đảm bảo nước sạch cho người dân sử dụng; kiểm tra hệ thống điện tránh những sự cố khi cung cấp điện trở lại; tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai và Văn phòng Uỷ ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục