Trong đợt mưa lũ những ngày đầu tháng 11, Hoài Ân là địa phương bị thiệt hại nặng nhất của tỉnh Bình Định. Hệ thống giao thông cầu đường trên địa bàn bị nước lũ cuốn trôi, gần 1.000 ngôi nhà bị ngập, trong đó có 6 ngôi nhà bị sập và hư hỏng nặng... tổng thiệt hại trên 58,2 tỷ đồng.
Khắc phục hậu quả mưa lũ, huyện Hoài Ân đã huy động lực lượng và phương tiện hỗ trợ các hộ dân có nhà bị sập, hư hỏng, nhà bị đất đá bồi lấp thu dọn, dựng lại nhà; tiêu độc, khử trùng môi trường sống, khử khuẩn 1.450 giếng nước sinh hoạt.
Tại các tuyến đường đi các xã Bóc Tới, Ân Nghĩa, Ân Hữu, Đăk Mang bị mưa lũ làm hư hỏng, lực lượng chức năng cùng người dân địa phương đã khẩn trương khắc phục, đảm bảo giao thông thông suốt.
Đặc biệt, hai cây cầu Hương Quang, cầu Bù Nú bị sập một phần đã được sửa chữa, đảm bảo lưu thông trước mắt cho người dân.
Huyện Hoài Ân cũng đề nghị tỉnh Bình Định hỗ trợ 800 triệu đồng, 25.000 bao cát... để khắc phục hệ thống kênh mương nội đồng, 40 ha ruộng bị sa bồi, thuỷ phá, hệ thống đập của các xã Bok Tới và Ân Nghĩa.
Trong đợt lũ từ ngày 1-6/11, nhiều địa phương của tỉnh Phú Yên bị ngập nặng, có nguy cơ phát sinh ô nhiễm môi trường, dịch bệnh sau lũ.
Ngành Y tế tỉnh Phú Yên phối hợp với các địa phương chủ động bám sát địa bàn, triển khai các hoạt động xử lý môi trường, giám sát dịch bệnh và khám, chữa bệnh cho người dân.
Bác sỹ Trần Ngọc Dưng, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Phú Yên cho biết, hiện chưa có dịch bệnh xảy ra ở các vùng từng bị ngập do lũ. Tuy nhiên, đây là thời điểm có nguy cơ cao dễ phát sinh nhiều loại bệnh do nguồn nước bị nhiễm khuẩn và phát sinh lượng muỗi lớn.
Sở Y tế Phú Yên đã thành lập 6 đoàn công tác đến các vùng xảy ra lũ lớn như thị xã Sông Cầu, huyện Tuy An và Đồng Xuân để kiểm tra, hướng dẫn người dân phòng chống dịch bệnh. Đợt mưa lũ vừa qua, tỉnh Phú Yên có 16.691 giếng nước của người dân bị ngập, trong đó tại huyện Tuy An có 4.208 giếng, huyện Tây Hòa 3.942, huyện Đồng Xuân 2.806 giếng...
Sau khi nước rút, ngành Y tế đã sử dụng hơn 410 kg cloramin bột để khử khuẩn 14.421 giếng nước và đang tiếp tục xử lý khử khuẩn các giếng còn lại.
Ngoài ra, theo Sở Y tế Phú Yên , trước khi xảy ra mưa lũ, trên địa bàn tỉnh có 2.020 ca mắc sốt xuất huyết, thời điểm sau lũ chưa có ca mắc mới. Các đơn vị y tế tại cơ sở trực tiếp xuống cơ sở để tuyên truyền, vận động người dân làm vệ sinh môi trường, tiêu độc khử trùng nguồn nước, hướng dẫn người dân sử dụng các loại thực phẩm an toàn.
Các địa phương trong tỉnh Đắk Lắk đang tập trung khắc phục hậu quả đợt mưa lũ xảy ra đầu tháng 11/2016. Ngay sau khi nước rút, đồng bào các dân tộc ở các xã bị ngập lụt nặng thuộc các huyện Krông Bông, Ea Kar, M’Đrắk đã nhanh chóng dọn vệ sinh nhà cửa; khôi phục diện tích hoa màu bị hư hại.
Những diện tích hoa màu bị ngập úng không thể khôi phục được, các ngành chức năng hướng dẫn đồng bào thu gom làm vệ sinh đồng ruộng để sớm chuyển đất sang gieo trồng rau màu vụ Thu Đông cho kịp thời vụ.
Đối với diện tích càphê, hồ tiêu bị ngập nước, ngành chức năng hướng dẫn đồng bào khơi thông dòng chảy, thoát nước nhanh không để ngập úng kéo dài dễ gây nhiều dịch bệnh cho cây trồng. Đồng bào các dân tộc ở những vùng bị thiệt hại cũng khẩn trương sửa chữa, gia cố chuồng trại chăn nuôi, làm vệ sinh chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm...
Các địa phương chịu thiệt hại nặng như Krông Bông, M’Đắk, Ea Kar, Krông Pắk, Cư Kuin, Krông Ana, Lắk kiểm tra các công trình thủy lợi, hệ thống kênh mương dẫn nước để sớm có kế hoạch đầu tư vốn sửa chữa, tu bổ nhằm phục vụ tốt yêu cầu sản xuất vụ Đông Xuân 2016-2017.
Trong đợt mưa lũ vừa qua, tỉnh Đắk Lắk có 8 huyện/15 huyện, thị xã, thành phố bị ngập lụt nghiêm trọng; trong đó, thiệt hại nặng là các địa phương như Krông Bông, Ea Kar, M’Đắk, Krông Pắk, Krông Ana, Cư Kuin, Lắk, Buôn Đôn.
Lũ lụt đã làm ngập 2.642 ngôi nhà, gần 8.100 ha cây trồng; trong đó chủ yếu là lúa nước vụ Đông Xuân, ngô lai, cà phê, hồ tiêu, cây ăn quả và rau màu các loại của người dân trên địa bàn tỉnh. Lũ lụt trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk cũng làm ngập 2 nhà máy thủy điện nhỏ; gây hư hỏng hàng chục công trình thủy lợi, hệ thống kênh mương dẫn nước; hư hỏng hàng chục km đường giao thông.../.