Ngày 16/5, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai - Văn phòng Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn đã có Công điện số 3 gửi Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Bắc Giang, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương, Thái Bình, Hải Phòng, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình; Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thông tin và Truyền thông, Giao thông Vận tải.
Nội dung Công điện nêu rõ theo tin từ Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, từ ngày 16/5, các tỉnh Đông Bắc Bộ và các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên-Huế đã có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to đến rất to.
Dự báo, ở các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên-Huế tiếp tục có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và dông; các tỉnh miền núi phía Đông Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, đặc biệt là các tỉnh Bắc Kạn, Tuyên Quang, Thanh Hóa, Nghệ An có khả năng xuất hiện sạt lở đất do ảnh hưởng của mưa lớn cục bộ; từ ngày 17/5, thượng lưu các sông Thao, Lô, Cầu, Thương, Lục Nam, Mã, Cả, La, Gianh, Kiến Giang sẽ xuất hiện đợt lũ nhỏ với biên độ từ 1-3m (đỉnh lũ trên các sông dưới báo động 1).
Để chủ động đối phó với diễn biến mưa, lũ và các tình huống thiên tai bất thường, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai - Văn phòng Uỷ ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn đề nghị Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố triển khai thực hiện việc theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, thông tin kịp thời đến các cấp chính quyền và người dân, nhất là vùng sâu, vùng xa để chủ động các biện pháp phòng tránh.
Chỉ đạo khẩn trương thu hoạch nhanh, gọn diện tích lúa vụ Xuân đã chín theo phương châm "xanh nhà hơn già đồng" và diện tích rau, màu vụ Xuân, đặc biệt tại các khu vực bãi ven sông, suối để giảm thiểu tối đa thiệt hại do mưa, lũ gây ra.
Đối với các khu vực miền núi, tổ chức kiểm tra, rà soát các khu vực trọng điểm về lũ quét, sạt lở đất, sẵn sàng triển khai phương án sơ tán dân để đảm bảo an toàn về người và tài sản. Kiểm tra vận hành các cống, trạm bơm tiêu để đảm bảo kịp thời tiêu nước, nhất là các khu vực thấp, trũng, khu dân cư tập trung thường xuyên bị ngập úng.
Tiếp tục triển khai thực hiện các biện pháp chủ động phòng tránh giông, lốc, sét và mưa đá theo chỉ đạo tại văn bản số 23 ngày 30/3 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai.
Chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện để ứng cứu khi có yêu cầu; tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai và Văn phòng Uỷ ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn./.