Ngày 31/1, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, Chống thiên tai ban hành văn bản số 41/VPTT gửi Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long về việc chủ động ứng phó với xâm nhập mặn.
Theo nhận định xu thế khí tượng thủy văn từ ngày 1-10/2 và tin dự báo xâm nhập mặn khu vực Nam Bộ của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long có xu thế tăng dần vào cuối mùa khô năm 2023-2024 ở mức cao hơn trung bình nhiều năm, nhưng không gay gắt như mùa khô năm 2015-2016 và năm 2019-2020, khả năng tập trung vào tháng 2-3/2024 tại sông Cửu Long và tháng 3-4/2024 tại các sông Vàm Cỏ, Cái Lớn.
Để chủ động ứng phó với xâm nhập mặn, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, Chống thiên tai đề nghị Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, Chống thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn các tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long và các đơn vị chuyên môn thực hiện triển khai thực hiện Chỉ thị số 661/CT-BNN-TL ngày 23/01/2024 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn về việc tăng cường thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh mùa khô năm 2023-2024.
Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, Chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long tham mưu xây dựng, triển khai và cập nhật phương án ứng phó với xâm nhập mặn phù hợp với thực tế của địa phương.
Các địa phương thường xuyên cập nhật thông tin và báo cáo về Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, Chống thiên tai./.
Thời tiết năm 2024: Xu thế bão, nắng nóng và xâm nhập mặn diễn biến ra sao?
Trong năm 2024, hiện tượng nắng nóng có khả năng đến sớm và xuất hiện nhiều hơn; bão, áp thấp nhiệt đới hình thành trên Biển Đông cũng có thể sẽ nhiều hơn.