Các tuyến buýt mới đấu thầu của Hà Nội phải chuyển đổi sang sử dụng xe điện

Thành phố Hà Nội quyết tâm làm bằng được việc chuyển đổi sang sử dụng điện, Năng lượng Xanh đối với các tuyến buýt đấu thầu mới, góp phần giảm ô nhiễm môi trường.
Hà Nội đã lên lộ trình và sẽ hiện thực hóa việc chuyển đổi xe buýt sang sử dụng năng lượng Xanh. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Tổng công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) sẽ lên lộ trình để hiện thực hóa việc chuyển đổi phương tiện chạy diesel sang Năng lượng Xanh đồng thời xây dựng kế hoạch nhằm sẵn sàng mở rộng thí điểm thẻ vé điện tử sang nhiều tuyến buýt khác của thành phố.

Thông tin trên được đưa ra tại Hội nghị tổng kết hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2023 và triển khai kế hoạch công tác năm 2024 của Transerco vào sáng 10/1.

Quyết tâm chuyển đổi xe buýt chạy năng lượng xanh

Ông Nguyễn Mạnh Quyền, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội cho hay với vai trò là doanh nghiệp chủ lực của thành phố trong lĩnh vực vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, bến xe, bãi đỗ xe, Transerco đã cơ bản thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao, giữ ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh vượt kế hoạch và tăng trưởng hơn so với năm trước.

Theo đó, Transerco đã nhận diện và tập trung triển khai có hiệu quả các giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ; chủ động đề xuất tái cơ cấu, hợp lý hóa hạ tầng, luồng tuyến nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động mạng lưới tuyến xe buýt của thành phố; đẩy mạnh chuyển đổi số trong quản lý điều hành.

Đưa ra nhiệm vụ năm 2024, ông Quyền yêu cầu Transerco thực hiện lộ trình chuyển đổi xe buýt sử dụng diesel sang Năng lượng Xanh, trong đó cụ thể hóa lộ trình chuyển đổi xe buýt điện từ nay đến 2035 đồng thời giao Sở Giao thông Vận tải làm việc với 11 doanh nghiệp vận tải hành khách công cộng Thủ đô.

“Hiện tại, các đơn vị này rất ủng hộ việc chuyển đổi này cũng giống như thí điểm triển khai thẻ vé điện tử. Toàn thành phố quyết tâm làm bằng được việc chuyển đổi sang sử dụng điện, Năng lượng Xanh đối với các tuyến buýt đấu thầu mới. Các tuyến đầu thầu lại từ năm 2024 yêu cầu phương tiện sử dụng điện, Năng lượng Xanh; đến năm 2030 đạt 65%, năm 2035 hoàn thành 100% số lượng phương tiện chuyển đổi sang sử dụng điện, Năng lượng Xanh,” ông Quyền quả quyết.

Phó Chủ tịch thành phố Hà Nội giao Transerco thường xuyên rà soát, điều chỉnh lộ trình tuyến buýt; quy hoạch các tuyến đường điểm đỗ xe bởi quy hoạch là gốc rễ của mọi vấn đề; hoàn thiện bãi xe ngầm, bãi xe nổi; đưa công nghệ khai thác điểm đỗ xe vào ứng dụng trong thực tế. Transerco phải tiên phong, các khó khăn vướng mắc báo cáo thành phố giải quyết từ vốn vay, lãi suất, đất đai.

Ghi nhận và biểu dương các kết quả đạt được của Transerco, Phó Chủ tịch Hà Nội yêu cầu cần Tổng công ty có sự thay đổi, bước đi phù hợp nhanh nhưng chắc chắn, lộ trình từng bước đó là bài toán về phương tiện vận tải công cộng, đội ngũ lao động.

Ông Nguyễn Mạnh Quyền, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Chỉ đạo Transerco tính toán lộ trình chuyển đổi xe diesel sang Năng lượng Xanh, theo ông Quyền, thành phố Hà Nội đã báo cáo Bộ Công Thương ưu tiên nguồn điện để chuyển đổi xe điện nhằm giải quyết bài toán về khí thải, tiếng ồn và ô nhiễm môi trường.

“Khi thí điểm triển khai ứng dụng thẻ vé điện tử xe buýt thì mức trợ giá sẽ rõ ràng và cụ thể, minh bạch. Thành phố căn cứ vào đó để đưa ra mức trợ giá cho doanh nghiệp, từ đó buộc đơn vị vận tải hành khách công cộng phải tính toán bài toán vận hành các tuyến buýt hiệu quả. Do đó, Transerco nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ xe buýt chuẩn mực; nghiên cứu tính toán các bến xe hợp tác, kinh doanh thành các trung tâm thương mại để tránh lãng phí,” ông Quyền lưu ý.

Khẳng định nếu kết nối đi lại tốt giữa các tuyến buýt, Phó Chủ tịch Hà Nội tin tưởng, mỗi gia đình sẽ không phải mua sắm xe máy mà sẽ chuyển sang đi vận tải hành khách công cộng, góp phần giảm ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường.

Mở rộng thí điểm vé điện tử từ quý 4/2024

Trước đó, báo cáo tại hội nghị, theo ông Nguyễn Thanh Nam, Tổng Giám đốc Transerco, sau đại dịch COVID-19, nhu cầu và thói quen đi lại của người dân có nhiều thay đổi, một bộ phận lớn sử dụng phương tiện công cộng trước dịch có xu hướng chuyển sang các phương tiện cá nhân, dẫn đến sản lượng hành khách đi xe buýt phục hồi chậm so với thời điểm trước.

“Các đơn vị hoạt động buýt phải đối diện với hiện tượng chảy máu lao động lành nghề, thiếu hụt lao động lái xe, nhân viên phục vụ, thợ kỹ thuật, tình trạng ùn tắc vào giờ khung cao điểm, tổ chức giao thông để thi công các công trình hạ tầng kỹ thuật và phân luồng khi có các sự kiện lớn đã ảnh hưởng đến công tác vận hành tuyến,” ông Nam nhìn nhận.

Mặt khác, Transerco rà soát, tham mưu, đề xuất Sở Giao thông Vận tải điều chỉnh lộ trình 8 tuyến buýt nhằm thuận tiện cho công tác vận hành, tăng cường kết nối mạng lưới xe buýt, mở rộng vùng phục vụ; 10 tuyến để tránh ùn tắc giao thông tạo thuận lợi cho hành khách; 39 tuyến buýt phục vụ tổ chức giao thông của thành phố; điều chỉnh hợp lý hóa tần suất dịch vụ, biểu đồ vận hành, phương tiện 23 lần cho 20 tuyến và nhánh tuyến, phù hợp với nhu cầu đi lại của hành khách và nâng cao hiệu quả hoạt động.

Đặc biệt, trong quý 4/2023, Transerco đã chủ động đánh giá nhu cầu đi lại, rà soát biểu đồ chạy xe trên từng tuyến và báo cáo Sở Giao thông Vận tải điều chỉnh giảm dịch vụ giai đoạn 1 cho 25 tuyến, nhánh tuyến, thực hiện từ 1/1/2024.

Ông Nguyễn Thanh Nam, Tổng Giám đốc Transerco cam kết sẽ xây dựng Đề án chuyển đổi xe buýt sang phương tiện sử dụng năng lượng Xanh. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Thực hiện triển khai thực hiện thí điểm hệ thống vé điện tử liên thông làm cơ sở để đánh giá, triển khai mở rộng cho mạng lưới vận tải hành khách công cộng của Thủ đô dự kiến từ quý 4/2024, Transerco cũng đang xây dựng kế hoạch chuyển đổi khi thành phố áp dụng thẻ vé điện tử trên toàn bộ hệ thống xe buýt nhất là phương án liên quan đến người lao động sau Chuyển đổi Số.

Về nhiệm vụ kế hoạch năm 2024, Transerco xây dựng và báo cáo Ủy ban Nhân dân thành phố, Sở Giao thông Vận tải về Đề án chuyển đổi sang phương tiện sử dụng Năng lượng Xanh. Căn cứ lộ trình sử dụng xe buýt năng lượng sạch, xây dựng phương án cụ thể đối với các tuyến hết hạn hợp đồng thầu trong năm 2024, Tổng công ty đề xuất điều kiện, cơ chế triển khai để thành phố hỗ trợ thực hiện như hỗ trợ lãi vay, xây dựng hạ tầng trạm sạc...

Transerco tiếp tục rà soát, đánh giá tổng thể các tuyến xe buýt, tăng cường công tác kiểm tra giám sát chất lượng dịch vu; xử lý nghiêm các vi phạm về chất lượng phương tiện, kỷ luật chạy xe, thái độ phục vụ, vi phạm doanh thu và chấp hành pháp luật giao thông đường bộ; đẩy mạnh công tác bảo dưỡng sửa chữa, quản lý kỹ thuật, chất lượng đoàn phương tiện theo đúng các quy trình, quy định…/.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục