Theo Công ty phân tích dữ liệu blockchain Chainalysis, tội phạm tiền điện tử/tiền ảo ngày càng gia tăng.
Các mô hình Ponzi - một kiểu vay tiền của người này để trả nợ người khác, và các hình thức gian lận khác liên quan đến Bitcoin và tiền điện tử đã “hút” ít nhất 4,3 tỷ USD từ các nhà đầu tư trong năm 2019. Con số này lớn hơn nhiều so với mức 3 tỷ USD trong cả hai năm 2017 và 2018 gộp lại.
Nhiều nhà đầu tư thiếu kinh nghiệm mới chỉ được nghe kể về những câu chuyện làm giàu từ đồng Bitcoin và nghĩ rằng họ cũng có thể trở nên giàu có.
Theo Christopher Janczewski, nhân viên Sở Thuế vụ Mỹ chuyên điều tra các vụ án hình sự liên quan đến tiền điện tử, những kẻ lừa đảo đã lợi dụng sự ngây thơ đó để thực hiện các hành vi gian lận.
Dưới đây là một ví dụ, Seo Jin-ho, khoảng 40 tuổi, điều hành môt công ty lữ hành tại Hàn Quốc, vốn không quan tâm đến các dự án đầu tư với lợi nhuận quá béo bở cho đến khi một đồng nghiệp giới thiệu cho ông này về PlusToken, một nền tảng giao dịch Bitcoin và các loại tiền điện tử khác.
Theo lời ông Seo, người đồng nghiệp này vài lần ghé thăm vào đầu năm 2019 và “rỉ tai” rằng ông có thể kiếm được 10% mỗi tháng. Cuối cùng, sự hoài nghi của ông cũng tan biến và ông Seo quyết định mua 860 USD tiền điện tử trên nền tảng PlusToken.
Số tiền đổ vào “đống tiền ảo” gia tăng nhanh chóng. Chưa đầy năm tháng, ông Seo đã chi 86.000 USD để mua tiền điện tử, nhưng mới chỉ rút ra được 500 USD. Ông Seo từng có suy nghĩ rằng “gửi tiền trong ngân hàng chẳng đáng gì." Ông đã tham gia các cuộc hội nghị của PlusToken rồi lại rủ bạn bè cùng tham gia.
Đến tháng 6/2019, mọi thứ đã thay đổi. Chính quyền Trung Quốc kết luận PlusToken là một trò lừa đảo, đồng thời bắt giữ sáu công dân Trung Quốc được cho là đang điều hành nền tảng này ở bên ngoài đảo quốc Vanuatu ở Thái Bình Dương. Nền tảng này đã ngừng hoạt động sau đó và mọi người không thể rút được tiền.
Ông Seo và vô số các nạn nhân khác mất quyền truy cập vào tài khoản. Trong khi đó, nhà chức trách ở Trung Quốc và Vanuatu từ chối bình luận.
Công ty Chainalysis cũng từng kết luận rằng PlusToken thực chất là mô hình Ponzi, tức là vay tiền của người này để trả nợ người khác. Người đi vay đưa ra cam kết trả lợi tức cao cho người cho vay và quảng cáo với họ về những tấm gương đã từng nhận được lợi tức cao trước đây để hấp dẫn người cho vay. PlusToken đã thu hút các nhà đầu tư chủ yếu ở Hàn Quốc và Trung Quốc vào năm 2018 và nửa đầu năm 2019. Chainalysis cho biết PlusToken đã thu về ít nhất 2 tỷ USD.
[Vụ trộm tiền điện tử lớn nhất ở Hàn Quốc: Gần 50 triệu USD "bốc hơi"]
Hay một trường hợp khác là Gary Condry, cựu quân nhân 70 tuổi ở Wooster, Ohio, bắt đầu nhắn tin với một người đàn ông tự xưng là Jason Hanley mà ông tìm thấy trên mạng xã hội. Hanley sử dụng các trang Instagram và Facebook để quảng bá trang web đầu tư cryptoinvestments247 và hứa sẽ thanh toán hàng tuần.
Ông Condry đã đưa cho Hanley 200 USD trong tháng 11/2019 và thêm 700 USD vào đầu tháng 12. Trong vài tuần, ông được thông báo tài khoản tăng lên gần 17.000 USD. Tuy nhiên, đây chỉ là một cái bẫy. Hanley yêu cầu thêm 1.700 USD trước khi trả hết “tiền lãi” cho Condry. Hắn nói đây không phải là một phần trong thỏa thuận của họ. Sau một số tin nhắn giận dữ, ông chấp nhận từ bỏ việc cố gắng rút tiền lãi hoặc thậm chí thu lại khoản đầu tư ban đầu của mình.
Công ty Chainalysis cho biết chính nhờ các hoạt động marketing tích cực, có khoảng 180.000 Bitcoin, 6,4 triệu Ether và 110.000 Tether được chuyển đến ví PlusToken. Tính giá tại các thời điểm mà nhà đầu tư gửi tiền, khoản đầu tư đã tăng thêm tới 2 tỷ USD.
Kể từ khi Bitcoin ra mắt cách đây 11 năm, đồng tiền điện tử này đã rất khó khăn mới được chấp nhận. Vào thời kỳ đỉnh cao năm 2017, giá Bitcoin đã lên tới gần 20.000 USD và thu hút giới nhà đầu tư, những người dự đoán đồng Bitcoin sẽ phát triển nền tài chính toàn cầu và thay thế đồng USD./.