Các y bác sỹ căng mình, nỗ lực cứu người bệnh khi bão số 3 đổ bộ

Mặc siêu bão Yagi đổ bộ, mưa gió gầm thét, tại các bệnh viện, đội ngũ y bác sỹ luôn túc trực, đảm bảo sẵn sàng công tác cấp cứu, điều trị cho người bệnh...
Y bác sỹ theo dõi sức khỏe cho một bệnh nhân tại Bệnh viện E. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Bão số 3 (Yagi) là siêu bão có cường độ mạnh nhất trong khoảng 30 năm gần đây hoạt động trên Biển Đông, cấp độ rủi ro thiên tai cấp 4…

Khi cơn bão số 3 càn quét thành phố Hà Nội đã gây thiệt hại vô cùng nặng nề cho toàn thành phố. Trong đêm bão đổ bộ, tại các bệnh viện đội ngũ y bác sỹ luôn túc trực để đảm bảo công tác cấp cứu, điều trị cho người bệnh trong bão.

Cấp cứu kịp thời nạn nhân do mưa, bão gây ra

Sau khi có những thông tin đầu tiên về siêu bão Yagi, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã chủ động xây dựng một kế hoạch phòng chống bão toàn diện, chi tiết với nhiều phương án dự phòng nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho cả bệnh nhân và nhân viên y tế. Ngay từ khi nhận được thông tin về siêu bão sắp đổ bộ, lãnh đạo Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã lên kế hoạch, chỉ đạo các đơn vị nội viện liên quan phối hợp chặt chẽ để kiểm tra, gia cố các khu vực trọng yếu như khu vực phòng khám cấp cứu, khoa hồi sức tích cực, phòng mổ, các tầng hầm và các kho lưu trữ thuốc, trang thiết bị y tế…

Qua thống kê sơ bộ của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, trong 2 ngày 6 và 7/9, tua trực của bệnh viện đã tiếp nhận và điều trị cho 14 ca cấp cứu nhập viện do siêu bão tác động, cụ thể trong đó có 01 trường hợp do cây đổ đè xuống người gây chấn thương sọ não; 02 trường hợp chấn thương chi, chấn thương sọ não do tường và kính vỡ đổ vào người cùng gần 10 trường hợp tai nạn ôtô, xe máy khi đang tham gia giao thông “vượt bão về nhà.”

Kíp trực của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã nỗ lực cấp cứu người bệnh trong cơn bão nhằm bảo vệ tính mạng và sức khỏe của họ trong tình huống khẩn cấp. Việc cấp cứu kịp thời giúp bệnh nhân tránh khỏi nguy cơ tổn thương thêm, duy trì quá trình điều trị liên tục đồng thời giảm thiểu rủi ro tử vong hoặc các di chứng nặng nề do thiên tai gây ra. Đây cũng là trách nhiệm y tế quan trọng của bệnh viện, đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau trong thời điểm nguy hiểm.

Ngoài công tác đảm bảo về cơ sở vật chất, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức chú trọng đặc biệt tới công tác chuyên môn, sắp xếp tua trực 24/24 bao gồm đội ngũ y bác sỹ, kỹ thuật viên và nhân viên y tế với phân công nhiệm vụ cụ thể, thu dung cấp cứu nạn nhân do mưa, bão gây ra, không để gián đoạn trong công tác cấp cứu, điều trị cho người bệnh, đảm bảo sẵn sàng xử lý bất kỳ tình huống khẩn cấp nào.

Tổ y tế lưu động tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức sẵn sàng các phương án, tình huống ứng phó với mưa bão kịp thời. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Song song đó, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã thành lập Ban điều hành và các tổ y tế lưu động ứng phó bão do Tiến sỹ Dương Đức Hùng - Giám đốc Bệnh viện làm Trưởng ban, 08 tổ y tế lưu động gồm các bác sỹ, điều dưỡng, lái xe thuộc bệnh viện sẵn sàng hỗ trợ cho các cơ sở y tế lân cận và các bệnh viện tuyến dưới trong công tác cấp cứu, vận chuyển cấp cứu người bệnh… để kịp thời ứng phó với mưa bão. Tất cả các biện pháp này được thực hiện với mục tiêu tối thượng là bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người bệnh và duy trì hoạt động y tế trong điều kiện khó khăn, góp phần giảm thiểu thiệt hại do bão gây ra.

Ngay sau khi cơn bão có dấu hiệu đi qua, bệnh viện đã chuẩn bị sẵn sàng 1 đội công tác đánh giá và xử lý nhanh chóng các tổn hại do bão quét để đảm bảo sẵn sàng hoạt động tiếp đón, điều trị và chăm sóc người bệnh bình thường sau cơn bão qua.

Các tổ cấp cứu ngoại viện luôn túc trực sẵn sàng

Trong đêm bão đổ bộ, để đảm bảo công tác cấp cứu, điều trị cho người bệnh trong bão, Khoa Cấp cứu (Bệnh viện E) luôn sáng đèn và liên tiếp tiếp nhận nhiều trường hợp người dân bị thương do tai nạn liên quan đến cơn bão số 3.

Tiến sỹ Nguyễn Minh Tuấn - Phó Trưởng khoa Thận tiết niệu và lọc máu (Bệnh viện E) cho biết trong ngày cơn bão số 3 đổ bộ vào thành phố Hà Nội, bệnh viện đã tiếp nhận tổng cộng 36 ca cấp cứu, trong đó có 16 ca cấp cứu ngoại khoa: 10 trường hợp cấp cứu do người bệnh gặp tai nạn liên quan đến bão số 3, 20 ca cấp cứu nội khoa.

Một trong những trường hợp trong tình trạng nặng đêm 7/9 được các bác sỹ Bệnh viện E tiếp cận là người bệnh N.V.S (ở Hà Nội) nhập viện trong tình trạng đau đầu, đau vai trái… được chẩn đoán chấn thương sọ não vỡ xương trán, máu tụ ngoài màng cứng. Theo lời kể của người nhà, trong lúc mưa bão, người bệnh bị tai nạn ngã từ trên cao xuống khi đang cố gắng gia cố mái tôn. Ngay khi tiếp nhận người bệnh, các bác sỹ đã nhanh chóng cầm máu, tiến hành chiếu chụp, thực hiện các xét nghiệm cần thiết… sau đó lập tức chuyển người bệnh lên phòng mổ cấp cứu.

Trong ngày cơn bão số 3 đổ bộ vào thành phố Hà Nội, Bệnh viện E đã tiếp nhận tổng cộng 36 ca cấp cứu. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Trường hợp người bệnh L.V.T (Hà Nội) nhập viện trong tình trạng chảy máu nhiều vùng da đầu do trong lúc bão lớn bị mái tôn công trình rơi vào đầu. Người bệnh ngay lập tức được các bác sỹ Bệnh viện E tiến hành cầm máu, rửa và khâu vết thương cho người bệnh…

Đây là hai trong số nhiều ca cấp cứu được khoa Cấp cứu (Bệnh viện E) tiếp nhận và điều trị trong khi cơn bão số 3 đổ bộ vào Hà Nội.

Tiến sỹ Nguyễn Công Hựu - Giám đốc Bệnh viện E khẳng định nhằm chủ động ứng phó khi cơn bão số 3 đổ bộ và chống ngập lụt do mưa hoàn lưu sau bão, Ban Giám đốc bệnh viện chỉ đạo các khoa, phòng trong toàn bệnh viện đảm bảo sẵn sàng nhân lực, vật tư, cơ số thuốc, hóa chất phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn; đảm bảo công tác trực ban, trực cấp cứu 24/24 giờ nhằm đáp ứng được nhu cấp cấp cứu và điều trị bệnh của người dân.

Bên cạnh đó, hệ thống Cấp cứu ngoại viện Bệnh viện E luôn phối hợp với Trung tâm cấp cứu 115 sẵn sàng tiếp nhận người bệnh cấp cứu từ các nơi chuyển đến. Tổ cấp cứu ngoại viện luôn túc trực sẵn sàng lên đường chi viện cho các địa phương khi có yêu cầu.

Những nỗ lực của y bác sỹ tại các bệnh viện không chỉ đảm bảo an toàn về tính mạng cho người bệnh và nhân viên y tế mà còn góp phần duy trì liên tục hoạt động y tế, đảm bảo các bệnh nhân vẫn nhận được sự chăm sóc tốt nhất ngay trong những tình huống thiên tai phức tạp. Mục tiêu của các bệnh viện là giảm thiểu tối đa thiệt hại và rủi ro, giúp cộng đồng vượt qua siêu bão một cách an toàn và hiệu quả nhất./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục