Cách 5 ngân hàng trung ương lớn nhất “cứu” kinh tế châu Phi

Theo ước tính mới nhất từ các ngân hàng trung ương, trong số năm nền kinh tế hàng đầu của châu Phi, gồm Nigeria, Nam Phi, Ai Cập, Algeria và Maroc, chỉ có Ai Cập đạt mức tăng trưởng khoảng 2%.
Cách 5 ngân hàng trung ương lớn nhất “cứu” kinh tế châu Phi ảnh 1(Nguồn: fnh.ma)

Các ngân hàng trung ương châu Phi đang ở tuyến đầu trong cuộc chiến chống lại các tác động kinh tế của đại dịch COVID-19.

Tỷ giá trung tâm và dự trữ tiền tệ bắt buộc là một trong những công cụ được sử dụng rộng rãi nhất. Và Bank Al-Maghrib, ngân hàng trung ương của Maroc, là ngân hàng nổi bật nhất trong số này.

Đại dịch COVID-19 sẽ khiến các nền kinh tế châu Phi phải trả giá đắt. Cùng với nhiều tác nhân khác như sự phong tỏa, sự sụt giảm nhu cầu toàn cầu về nguyên liệu thô (dầu mỏ, khoáng sản), xu hướng thương mại chậm lại, việc ngừng đầu tư trực tiếp nước ngoài và sự sụt giảm trong việc chuyển tiền từ cộng đồng kiều bào ở nước ngoài là các yếu tố khiến những nền kinh tế của lục địa này nhiều khả năng sẽ rơi vào suy thoái trong năm 2020.

Những công cụ truyền thống

Theo ước tính mới nhất từ các ngân hàng trung ương, trong số năm nền kinh tế hàng đầu của châu Phi, bao gồm (theo thứ tự) Nigeria, Nam Phi, Ai Cập, Algeria và Maroc, thì chỉ có Ai Cập đạt mức tăng trưởng khoảng 2%. Trong khi đó Nigeria, Nam Phi, Algeria và Maroc dự kiến sẽ rơi vào suy thoái với tốc độ tăng trưởng giảm xuống các mức lần lượt là -8,9%, -8,2%, -6,4% và -6,3%.

Theo Ngân hàng trung ương Nam Phi, với mức suy thoái dự kiến ít nhất -8,2% vào năm 2020, “đất nước Cầu Vồng” ghi nhận cuộc suy thoái tồi tệ nhất lịch sử kể từ thời kỳ "Đại suy thoái" năm 1930, với khu vực sản xuất giảm giảm đến 6,2%.

Đối mặt với tình hình này, tất cả các quốc gia đã đưa ra các kế hoạch ứng phó nhằm giảm thiểu tác động của đại dịch và vực dậy nền kinh tế. Và trong bối cảnh này, các ngân hàng trung ương của các quốc gia châu Phi, cũng như ở các nước phát triển, sẽ đóng một vai trò quan trọng.

Trong các biện pháp can thiệp nhằm giảm thiểu tác động của cuộc khủng hoảng và phục hồi các nền kinh tế đang gặp khủng hoảng, các ngân hàng đang sử dụng một loạt công cụ tài chính và tiền tệ để kích thích tổng cầu, tăng sản lượng, hỗ trợ khôi phục tăng trưởng kinh tế và giảm tỷ lệ thất nghiệp.

Nhìn chung, năm ngân hàng thương mại lớn nhất của năm cường quốc kinh tế lớn nhất lục địa này đã sử dụng các công cụ giống nhau như hạ lãi suất cơ bản, hạ dự trữ bắt buộc và bảo lãnh cho vay. Công cụ được sử dụng rộng rãi nhất là thao túng tỷ giá trung tâm. Điều này nhằm mục đích cho phép các ngân hàng tự tái cấp vốn và phục hồi với chi phí rẻ hơn từ các ngân hàng trung ương, với mục đích tăng thêm thanh khoản.

Và trong cuộc chơi này, Ngân hàng Al-Maghrib là đơn vị táo bạo nhất trong các chính sách hỗ trợ cho lĩnh vực tài chính và nền kinh tế Maroc, vốn được dự báo sẽ rơi vào suy thoái vì ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 trên nhiều lĩnh vực chiến lược, nhất là du lịch.

Đối mặt với tình hình này, ngay từ đầu cuộc khủng hoảng, nhờ vào cơ cấu tỷ lệ lạm phát thấp, Ngân hàng Al-Maghrib đã hai lần giảm tỷ lệ lãi suất trung tâm từ 2,25% xuống 2% vào tháng 3/2020 và xuống còn 1,5% vào tháng 6/2020, sau khi nền kinh tế nước này đối mặt với các hậu quả ngày càng tồi tệ do đại dịch COVID-19.

Ngân hàng trung ương Maroc hiện đang niêm yết tỷ giá cơ bản thấp nhất trong số 5 cường quốc kinh tế mạnh nhất trên “Lục địa Đen."

Thống đốc ngân hàng, ông Abdellatif Jouahri, nói rõ rằng tổ chức này sẽ đảm bảo các quyết định của mình nhằm vào việc thúc đẩy sự phát triển nền kinh tế thực và sẽ ủng hộ, trong khuôn khổ các hoạt động tài chính của mình, các ngân hàng trong nước triển khai tốt nhất các nỗ lực theo hướng này.

Tại Nigeria, việc giảm nhu cầu toàn cầu về dầu mỏ, sản phẩm xuất khẩu chính của nước này (chiếm khoảng 90% nguồn thu xuất khẩu), đã dẫn đến tình trạng dự trữ ngoại hối và Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này giảm.

Ngân hàng trung ương Nigeria (Central Bank of Nigeria) đã tăng cường các sáng kiến của mình. Tổ chức này đã hạ lãi suất cơ bản 2 lần. Sau khi giảm tỷ lệ từ 13,5% xuống 12,5%, ngân hàng này tiếp tục giảm xuống 11,5%. Điều này nhằm kích thích nền kinh tế bằng cách cho phép các công ty hưởng lợi từ các khoản vay với lãi suất tương đối thấp, tài trợ cho các khoản đầu tư và kích thích sự tăng trưởng nhằm giảm mức độ lạm phát. Tuy nhiên, lãi suất trung tâm của Ngân hàng trung ương Nigeria vẫn ở mức cao vì tỷ lệ lạm phát vẫn ở mức hai con số.

[IMF: Dịch COVID-19 có thể lấy đi một thập kỷ phát triển của châu Phi]

Trong khi đó, Ngân hàng Dự trữ Nam Phi (South African Reserve Bank - SARB), hay Ngân hàng trung ương Nam Phi, đã thực hiện các chính sách chủ động và linh hoạt. Do đó Ngân hàng Trung ương Nam Phi, quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất do đại dịch COVID-19, đã năm lần giảm lãi suất trung tâm kể từ đầu năm 2020, giảm từ 6,25% xuống 3,5% với hy vọng giảm bớt “gánh nặng” cho các doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Theo Thống đốc của SARB Lesetja Kganyago, “Ngân hàng trung ương đã phản ứng một cách sắc bén, nhanh chóng và tích cực đối với cuộc khủng hoảng do COVID-19 gây ra, bằng cách giảm lãi suất trong suốt thời gian phong tỏa cách ly."

Tương tự, Ngân hàng trung ương Ai Cập cũng giảm lãi suất chủ chốt từ 12,75% xuống 9,75% vào ngày 17/3 thông qua việc giảm 300 điểm cơ bản. Sau đó, ngân hàng này tiếp tục thêm 50 điểm cơ bản để giúp giảm tỷ giá lãi suất trung tâm xuống còn 9,25% vào ngày 27/9, đồng thời bơm thêm 15 tỷ bảng Ai Cập ( tương đương 1,3 tỷ USD) để hỗ trợ tài chính cho nền kinh tế.

Những lối đi riêng

Một công cụ tiền tệ khác được các ngân hàng trung ương của các nền kinh tế lớn nhất châu Phi sử dụng nhiều nhất là thao túng tỷ lệ dự trữ tiền tệ bắt buộc. Và với khả năng này, cho đến nay, Ngân hàng Al-Maghrib cũng là ngân hàng trung ương táo bạo nhất. Trong khi các ngân hàng trung ương khác đang làm việc để tăng thanh khoản cho hệ thống tài chính và nới lỏng sự ràng buộc đối với các ngân hàng, Ngân hàng Al-Maghrib đã giải phóng tất cả nguồn dự trữ bắt buộc.

Thật vậy, sau khi giảm tỷ lệ dự trữ tiền tệ bắt buộc xuống 2%, vào ngày 16/6, Chính phủ đã quyết định giải phóng toàn bộ khoản dự trữ để bảo vệ các ngân hàng bằng cách đưa tỷ lệ này xuống còn 0%. Điều này cho phép bơm thêm khoảng 12 tỷ dirham (khoảng 1,3 tỷ USD) vào hệ thống ngân hàng.

Cũng trong bối cảnh đó, Ngân hàng Algeria đã giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc từ 10% xuống 8% vào tháng Ba vừa qua, sau đó từ 8% xuống còn 6% vào tháng 4/2020, và cuối cùng từ 6% xuống 3% vào tháng 9/2020, đồng thời giải phóng các nguồn tài chính bổ sung. Tuy nhiên, đây không chỉ là một biện pháp hỗ trợ cho lĩnh vực tài chính, những khoản cắt giảm này còn được thực hiện để giúp Algeria đối phó với cuộc khủng hoảng thanh khoản cấp tính, vốn đã tác động mạnh mẽ đến đất nước này.

Cách 5 ngân hàng trung ương lớn nhất “cứu” kinh tế châu Phi ảnh 2Hàng xuất khẩu tại cảng Luanda (Angola). (Ảnh: Phi Hùng/TTXVN)

Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương Nigeria (CNB) vẫn bị động do họ muốn cố gắng thực hiện mục tiêu cơ bản của mình là hạn chế cung tiền và kiểm soát tỷ lệ lạm phát. Do đó, tỷ lệ dự trữ bắt buộc của ngân hàng CNB này vẫn ở mức 27,5%, tức là các ngân hàng phải giữ 27,5% tiền gửi của khách hàng ở CBN với tỷ lệ lãi suất bằng 0. Tuy nhiên, nhằm giảm tỷ lệ này, Ngân hàng trung ương sẽ cho phép khu vực ngân hàng có thêm nguồn lực để bảo vệ các doanh nghiệp và cá nhân và các ngân hàng tạo ra tỷ suất lợi nhuận. Điều này sẽ góp phần vào khả năng phục hồi cho nước này.

Ngoài ra, Ngân hàng Trung ương Maroc đã tăng cường chương trình cung cấp tài chính đặc biệt cho các doanh nghiệp rất nhỏ và vừa (TPME), cung cấp khả năng cho các ngân hàng sử dụng tất cả các công cụ tài trợ có sẵn trong tài khoản của mình và mở rộng các loại chứng khoán để các ngân hàng có thể tự cung cấp vốn bằng tài sản thế chấp.

Ngân hàng Al-Maghrib cũng đã đưa ra các biện pháp hỗ trợ đặc biệt đối với lợi nhuận của các ngân hàng bằng các quy tắc bảo hiểm, các yêu cầu về vốn sạch và trích lập dự phòng các khoản phải thu để hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp và hộ gia đình.

Cùng quan điểm đó, và nhận thức được vai trò chiến lược của ngành du lịch, ngày 24/3, Ngân hàng Trung ương Ai Cập cũng đã công bố việc cấp cho các cơ sở du lịch khoản vay hai năm với thời gian ân hạn trong sáu tháng, nhằm cho phép các cơ sở này có thể đối phó với việc trả lương, các khoản vay cho các nhà cung cấp và công việc bảo trì cho các hoạt động du lịch, một lĩnh vực chiếm tỷ trọng gián tiếp với 9,7% tổng số việc làm và chiếm 9,3% GDP năm 2019 của nước này.

Tương tự, vào ngày 7/4, ngân hàng Ai Cập đã thực hiện một biện pháp để hỗ trợ lĩnh vực tài chính bằng cách cấp 100 tỷ bảng Ai Cập (tương đương 6,3 tỷ USD) cho các ngân hàng dưới hình thức bảo lãnh khoản vay để giúp các công ty trong lĩnh vực sản xuất phục hồi do tác động từ COVID-19 gây ra.

Về phần mình, ngoài các biện pháp liên quan đến tỷ lệ chủ chốt và tỷ lệ dự trữ tiền tệ bắt buộc, Ngân hàng Algeria cũng đã nới lỏng một số điều khoản bảo hiểm áp dụng cho các ngân hàng và tổ chức tài chính bằng cách giảm hệ số thanh khoản xuống 60%. Ngân hàng này cũng đã tăng ngưỡng cung cấp đối với các chứng khoán chính phủ có thể chuyển nhượng làm tài sản thế chấp đủ điều kiện cho các hoạt động chính sách tiền tệ, để cho phép các ngân hàng tăng khả năng tái cấp vốn cho chính mình.

Tóm lại, các ngân hàng trung ương châu Phi đã lựa chọn nhiều chiến lược giúp khôi phục nền kinh tế, đặc biệt tập trung vào việc tăng các khoản cho vay. Tuy nhiên, như Oluwasegun Akinwale, thành viên nghiên cứu tại Nova Merchant Bank Ltd, đã chỉ ra rằng bất kỳ chính sách nào chỉ tập trung vào việc kích thích tăng trưởng tín dụng mà không tái tổ chức lại các nút thắt cơ cấu trong nền kinh tế, điều đó sẽ có ít tác dụng đến việc cung cấp các khoản tín dụng rẻ hơn để kích thích sản xuất./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Đồng nhân dân tệ của Trung Quốc. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trung Quốc thông báo giảm lãi suất cho vay cơ bản

Lãi suất cho vay cơ bản kỳ hạn 1 năm đã được giảm 0,25 điểm phần trăm, từ 3,35% xuống 3,10%, trong khi lãi suất cho vay cơ bản kỳ hạn 5 năm cũng được giảm mức tương tự từ 3,85% xuống 3,6%.