Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long không chỉ là vựa lúa lớn nhất của cả nước mà còn là vùng trọng điểm thủy sản, trái cây, nông sản và có tiềm năng lớn về du lịch, công nghiệp chế biến... Tuy nhiên, một số lĩnh vực ở khu vực hiện có tốc độ phát triển chưa tương xứng tiềm năng và đang đứng trước thách thức lớn của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, hạn mặn gay gắt.
Với chủ đề “Cách mạng công nghiệp 4.0: Cơ hội cho Đồng bằng sông Cửu Long,” Hội thảo hợp tác phát triển công nghệ thông tin-truyền thông Việt Nam lần thứ XXII được tổ chức tại Vĩnh Long vừa qua đã tập trung vào hai lĩnh vực chủ yếu về định hướng xây dựng chính quyền điện tử trong tình hình mới và giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin ứng phó với biến đổi khí hậu.
Hội thảo đã cung cấp cho các địa phương trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long những giải pháp hữu ích trong phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin vào phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
Thúc đẩy xây dựng chính quyền điện tử
Làn sóng công nghiệp 4.0 đang lan tỏa vào mọi mặt của đời sống, xã hội, mở ra một cuộc cách mạng sản xuất gắn liền với những đột phá chưa từng có về công nghệ, liên quan đến kết nối Internet, điện toán đám mây, in 3D, công nghệ cảm biến, thực tế ảo...
Theo Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thành Hưng, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư được kỳ vọng sẽ tạo ra những thay đổi lớn trong phương thức quản lý, sản xuất, kinh doanh và là cơ hội lớn đưa đất nước đi lên hiện đại.
Bên cạnh đó, công nghiệp 4.0 cũng đòi hỏi phải nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động của cơ quan nhà nước, nghĩa là phải thay đổi tư duy và cách thức quản lý phù hợp, tăng cường an toàn, an ninh thông tin, an ninh mạng.
Đến hết tháng 6/2018, cả nước đã có 26 bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương kết nối liên thông phần mềm quản lý văn bản, cho phép tự động nhận biết được trạng thái xử lý văn bản giữa các cơ quan; 63 tỉnh, thành phố và 19/30 bộ, ngành đã công khai tiến độ xử lý hồ sơ trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ (trừ một số bộ, cơ quan đặc thù).
Trong quý 2/2018, đã có hơn 2.400 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 được các bộ, ngành, địa phương xây dựng và vận hành chủ yếu ở địa phương, nâng tổng số dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 cả nước cung cấp hiện nay là gần 50.000 dịch vụ.
Tại Vĩnh Long, tỉnh xác định một trong những nhiệm vụ hàng đầu của việc phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng an ninh trong xu thế của cách mạng công nghiệp 4.0 là phải đẩy mạnh xây dựng chính quyền điện tử, xây dựng nền hành chính công hiện đại, từ đó góp phần thúc đẩy các lĩnh vực khác phát triển.
Theo báo cáo chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin, truyền thông Việt Nam - Việt Nam ICT Index 2018, tỉnh Vĩnh Long đã có bước phát triển rõ nét về các chỉ số như hạ tầng công nghệ thông tin, nhân lực, hạ tầng kinh tế-xã hội.
Đặc biệt, chỉ số ứng dụng công nghệ thông tin của tỉnh xếp thứ 17 (tăng 18 bậc so với năm 2017) và dịch vụ công trực tuyến xếp thứ 30 (tăng 8 bậc so với năm 2017).
[Tăng cường kết nối số trong cách mạng công nghiệp lần thứ 4]
Hiện, tỉnh đã đưa vào vận hành cổng dịch vụ công trực tuyến theo hướng tích hợp, liên thông với hệ thống một cửa điện tử cấp tỉnh, cấp huyện và một số xã, trong đó, 100% dịch vụ công trực tuyến cấp huyện và một số đơn vị cấp xã đã đạt mức độ 3. Hệ thống một cửa điện tử của tỉnh cũng được triển khai theo hướng tập trung, thống nhất, liên thông quy trình xử lý từ cấp tỉnh đến cấp xã.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Văn Quang khẳng định đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin thời gian qua đã giúp tỉnh nâng cao hiệu quả trong hoạt động của chính quyền các cấp, góp phần tăng tính công khai minh bạch, thúc đẩy cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư.
Đồng quan điểm trên, ông Phạm Hồng Quảng, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Quảng Nam cho biết thực hiện lộ trình tiến tới xây dựng mô hình Chính quyền điện tử trong giai đoạn 2016-2020, tỉnh đã tích cực triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác cải cách hành chính, mà cụ thể là vận hành hệ thống phần mềm hành chính công điện tử.
Qua 2 năm triển khai hoạt động, hệ thống phần mềm hành chính công điện tử đã hỗ trợ có hiệu quả các nhiệm vụ cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh, giúp cho việc tổ chức tiếp nhận, giải quyết hồ sơ của tổ chức, công dân được thực hiện nghiêm tục, công khai, minh bạch và đúng pháp luật, nâng cao sự hài lòng của tổ chức, công dân.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, ông Nguyễn Quốc Vinh, Thành viên hội đồng thành viên Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam cho rằng theo nhiều chuyên gia, cái khó hiện nay trong việc xây dựng Chính phủ điện tử ở Việt Nam là chưa đáp ứng được về cơ sở hạ tầng kỹ thuật.
Thêm vào đó, việc tích hợp, trao đổi thông tin giữa hệ thống dịch vụ công trực tuyến của địa phương với các bộ, ngành cũng chưa theo một chuẩn thống nhất, chưa có quy định pháp luật rõ ràng về việc chia sẻ, sử dụng và tái sử dụng thông tin giữa cơ quan nhà nước với nhau và với doanh nghiệp. Ứng dụng công nghệ thông tin trong nội bộ cơ quan nhà nước đang ở quy mô nhỏ, chưa kết nối, chia sẻ thông tin trên diện rộng. Việc điều hành xử lý công việc qua mạng chưa thường xuyên, liên tục; cán bộ, công chức ở một số nơi vẫn còn có thói quen làm việc trên giấy, không tích cực sử dụng các hệ thống thông tin. Các dịch vụ công trực tuyến mức độ cao (mức 3, 4) cung cấp cho người dân và doanh nghiệp chưa nhiều.
Ngoài ra, cơ chế tài chính hỗ trợ phát triển Chính phủ điện tử chưa phù hợp với đặc thù ngành ứng dụng công nghệ thông tin là thiết bị và công nghệ thay đổi với tốc độ chóng mặt, giá trị nhân công cao.
Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Quảng Ninh Đinh Sỹ Nguyên cho rằng các địa phương cần chủ động nắm bắt các cơ hội của cuộc cách mạng 4.0 để đẩy mạnh việc xây dựng Chính quyền điện tử.
Trong quá trình thực hiện, địa phương cần xác định một số giải pháp trọng tâm như: nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, hoàn thiện cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin và đảm bảo an toàn thông tin, dữ liệu; xây dựng lộ trình đầu tư ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin ở tất cả các cấp, các ngành, các đơn vị và người dân.
Bên cạnh đó, địa phương triển khai hiệu quả Chỉ thị 16 của Thủ tướng về tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 để triển khai đồng bộ và hiệu quả công cuộc chuyển đổi số gắn liền với việc đẩy mạnh ứng dụng; lựa chọn đơn vị đối tác chiến lược lâu dài, có đủ năng lực, kinh nghiệm và tiềm lực đồng hành cùng địa phương trong quá trình triển khai thực hiện.
Theo tiến sỹ Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục kiểm soát thủ tục hành chính (Văn phòng Chính phủ), trong bối cảnh hội nhập và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư bùng nổ như hiện nay, việc xây dựng và hoàn thiện Chính phủ điện tử là việc hết sức quan trọng và cấp thiết. Tuy nhiên, việc xây dựng Chính phủ điện tử phải theo hướng đổi mới phương thức phục vụ, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm.
Xây dựng Chính phủ điện tử trên cơ sở thiết kế tổng thể, thực hiện tích hợp, chia sẻ dữ liệu, tạo ra các dịch vụ nền tảng dùng chung cho toàn hệ thống từ Trung ương đến địa phương và có sự đo lường, đánh giá chất lượng, hiệu quả thực hiện.
Giai đoạn 2018-2020, việc phát triển Chính phủ điện tử sẽ tập trung vào 3 nhóm chỉ tiêu: xây dựng các văn bản pháp lý và xây dựng hệ thống nền tảng phát triển Chính phủ điện tử; xây dựng hệ thống thông tin phục vụ người dân, doanh nghiệp; xây dựng hệ thống thông tin phục vụ chỉ đạo, điều hành của các cơ quan nhà nước với các chỉ số đo lường cụ thể.
Mục tiêu của Việt Nam trong giai đoạn 2018-2020 và định hướng đến năm 2025 là hoàn thiện nền tảng Chính phủ điện tử nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước và chất lượng phục vụ người dân doanh nghiệp; đồng thời, phát triển Chính phủ điện tử dựa trên dữ liệu và dữ liệu mở, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số; bảo đảm an toàn thông tin và an ninh mạng; đưa Việt Nam vào nhóm 4 nước dẫn đầu ASEAN trong xếp hạng Chính phủ điện tử của Liên hợp quốc./.