Cách thưởng Tết và việc tạo niềm tin cho người lao động

Quy định về việc thưởng tết bằng hiện vật trong Bộ luật Lao động (sửa đổi), vừa được Quốc hội thông qua và sẽ áp dụng từ ngày 1/1/2021, được dư luận rất quan tâm, đặc biệt là tầng lớp công nhân.
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Thay vì chỉ thưởng Tết cho người lao động bằng tiền mặt như trước đây, chủ doanh nghiệp sẽ có thêm lựa chọn bằng cách trả bằng hiện vật hoặc các tài sản khác có giá trị tương đương.

Quy định này có tại Khoản 1, Điều 104, Bộ luật Lao động (sửa đổi) năm 2019, vừa được Quốc hội thông qua và sẽ áp dụng từ ngày 1/1/2021, được dư luận rất quan tâm, đặc biệt là tầng lớp công nhân.

Tiền thưởng Tết là món quà được mong chờ nhất trong năm của bất kỳ ai. Đó là sự ghi nhận những đóng góp của người lao động trong suốt một năm làm việc, cống hiến cho quá trình phát triển của doanh nghiệp.

Vào dịp cuối năm, nhiều doanh nghiệp công bố mức thưởng "khủng" dành cho những cá nhân xuất sắc; không ít người được nhận hàng trăm, thậm chí cả tỷ đồng tiền thưởng Tết.

Số tiền thưởng cao không chỉ thể hiện sự phát triển mạnh mẽ của doanh nghiệp, mà còn chứng tỏ năng lực làm việc của những cá nhân được nhận thưởng.

Tuy nhiên, mức thưởng Tết cao ngất ngưởng khiến bao người ngưỡng mộ chỉ dành cho số ít cá nhân có nhiều thành tích nổi bật, thường là các chuyên gia cao cấp, giữ những vị trí quan trọng, quyết định sự thành công cho cả công ty.

Đa phần mức thưởng Tết dành cho người lao động chỉ dừng lại ở tháng lương thứ 13, thậm chí nhiều công ty do làm ăn khó khăn, chỉ có thể dành phần kinh phí ít ỏi động viên công nhân trong dịp Tết đến, xuân về...

Dù ít, dù nhiều, số tiền thưởng Tết cũng có ý nghĩa rất lớn đối với công nhân, nhất là những ai đi làm xa nhà. Sau 1 năm làm việc vất vả, họ mong ngóng được một khoản thưởng Tết để có thêm chi phí trang trải cho gia đình.

Tâm sự của nhiều lao động cho thấy, mức lương hàng tháng chỉ đủ duy trì những nhu cầu tối thiểu trong cuộc sống hàng ngày, dù tiết kiệm đến mấy cũng không thể để ra được đồng nào; không ít gia đình phải vay mượn để chi trả cho những khoản chi tiêu đột xuất như ốm đau, tai nạn...

Khoản tiền thưởng cuối năm được coi là nguồn kinh phí quan trọng để giải quyết rất nhiều nhu cầu cần thiết khi Tết đến Xuân về.

Đại đa số người lao động làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất sau khi được hỏi đều mong muốn được nhận thưởng Tết bằng tiền mặt, tất nhiên càng cao càng tốt.

Tuy nhiên, trong Bộ luật Lao động (sửa đổi) mới được Quốc hội thông qua, Điều 104 quy định về "thưởng" thay vì "tiền thưởng."

Cụ thể, thưởng là số tiền hoặc tài sản hoặc bằng các hình thức khác mà người sử dụng lao động thưởng cho người lao động căn cứ vào kết quả sản xuất, kinh doanh, mức độ hoàn thành công việc của người lao động.

Quy chế thưởng do người sử dụng lao động quyết định và công bố công khai tại nơi làm việc sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở.

Như vậy, thay vì chỉ được thưởng cho người lao động bằng tiền, trong Bộ luật Lao động (sửa đổi) đã mở rộng các hình thức thưởng khác, cho phép người sử dụng lao động có thể thưởng cho người lao động bằng hiện vật như chính hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp…

Nhận định về việc này, nhiều luật sư cho rằng, do thưởng Tết không phải là quy định bắt buộc, vì vậy có nơi thưởng Tết bằng hiện vật hoặc thưởng rất ít cũng không có vi phạm gì.

Tuy nhiên, theo luật sư Đặng Thị Vân Thịnh (Đoàn Luật sư Hà Nội), cần xem xét tính thiết thực của hiện vật được thưởng đối với cuộc sống của người lao động hàng ngày.

Hiện vật là những thứ mà người lao động không cần, không phục vụ được nhu cầu thiết thực trong cuộc sống của họ thì phần thưởng đó không còn ý nghĩa, giá trị nữa.

Các luật sư phân tích, thưởng Tết là một yếu tố rất quan trọng để người lao động gắn bó lâu dài với doanh nghiệp, đánh giá hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Vì vậy, mức thưởng Tết khả quan thì người lao động sẽ có nhiều động lực để làm việc, gắn bó lâu dài với doanh nghiệp, qua đó tạo động lực thúc đẩy phát triển doanh nghiệp cũng như nền kinh tế của đất nước.

Nếu mức thưởng quá ít sẽ dẫn đến hạn chế sự thu hút đầu tư, nhân công... của doanh nghiệp đó, hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ không đem lại hiệu quả.

Phó Chủ tịch Thường trực Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Trần Thanh Hải cho biết, thu nhập của người lao động ở Việt Nam hiện nay còn rất thấp nên khoản tiền thưởng cuối năm của doanh nghiệp luôn được mong chờ, để họ chủ động trang trải những việc cần thiết trong cuộc sống, thể hiện tình cảm của mình đối với gia đình.

Việc thưởng Tết không chỉ hỗ trợ phần nào chi phí cho người lao động, mà còn là nguồn động viên khích lệ xứng đáng dành cho người lao động, giúp họ phấn đấu cho những năm làm việc tiếp theo.

Ông Trần Thanh Hải cho rằng, phía người sử dụng lao động cũng nên phối hợp với tổ chức công đoàn cơ sở để nắm bắt nguyện vọng, từ đó chia sẻ khó khăn với người lao động.

Bên cạnh đó, công đoàn cũng cần tăng cường tổ chức các buổi đối thoại để doanh nghiệp và người dân hiểu nhau hơn, cùng góp sức phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh; căn cứ nhu cầu chính đáng của người lao động với khả năng của doanh nghiệp để đưa ra hình thức thưởng Tết tối ưu nhất khiến người lao động hài lòng, tình nguyện gắn bó lâu dài với doanh nghiệp bằng cả tâm huyết và trách nhiệm.

Là một trong những cơ quan nghiên cứu chuyên sâu về đời sống của công nhân lao động, Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) đã tổ chức nhiều cuộc khảo sát nhu cầu của người lao động và cho thấy, thưởng Tết bằng tiền mặt là một giải pháp vô cùng hữu hiệu để doanh nghiệp giữ chân công nhân, khiến họ trung thành và gắn bó lâu dài.

Tiến sỹ Nhạc Phan Linh, Phó Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn nhận định, việc thưởng Tết không chỉ là một khoản thưởng vật chất đơn thuần, mà còn là cuộc sống, tinh thần, niềm tin của người lao động đặt vào sự phát triển bền vững của doanh nghiệp; thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước với nhiều chính sách can thiệp nhằm tăng cường phúc lợi, chăm lo cho người lao động.

Phó Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn phân tích, khi doanh nghiệp thưởng Tết bằng sản phẩm cần dựa trên giá trị sử dụng xem có phù hợp với nhu cầu, xứng đáng với đóng góp của người lao động trong suốt một năm lao động hay không.

Một công nhân lắp ráp xe máy nếu được thưởng một chiếc xe sẽ là niềm vui vì giá trị vật chất lớn. Nhưng nếu công nhân sản xuất bột ngọt được thưởng Tết vài thùng sản phẩm là thì chắc chắn sẽ khó chấp nhận vì giá trị vật chất lớn nhưng giá trị sử dụng thấp cũng làm mất ý nghĩa của “thưởng” mà trở thành gánh nặng, sức ép.

Trong thời kỳ hội nhập, nhiều doanh nghiệp không chỉ coi người lao động là lực lượng làm thuê, mà còn coi đó là tài sản quan trọng.

Để hoạt động kinh doanh được bền vững, doanh nghiệp phải giữ được tài sản của mình và cần coi thưởng Tết là sự đền đáp, sự chăm lo xứng đáng cho người lao động; cơ hội để tạo động lực, tăng năng suất, tuyệt đối không nên lợi dụng quy định để có cơ hội tiêu thụ sản phẩm dư thừa...

Điều đó sẽ khiến người lao động thất vọng, mất niềm tin vào doanh nghiệp trong bối cảnh thị trường lao động đang biến động lớn, khi luôn xảy ra tình trạng thiếu hụt lao động lành nghề ở các trung tâm công nghiệp lớn sau mỗi dịp Tết Nguyên đán.

Thực tế đó cho thấy, doanh nghiệp cần xây dựng cơ chế đãi ngộ phù hợp, đáp ứng nguyện vọng chính đáng, tạo niềm tin cho người lao động, mà thưởng Tết là một trong những giải pháp hữu hiệu.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục