Cải cách chính sách - nền tảng thúc đẩy phát triển của Maroc

Vừa qua, tại Hà Nội, ông Azzeddine Farhane, Đại sứ Maroc tại Việt Nam đã chủ trì buổi thảo luận bàn về các cải cách chính sách của Maroc trong thời gian vừa qua.
Một địa điểm công cộng ở Maroc. (Ảnh: Hồng Nga/le courrier du vietnam)

Vừa qua, tại Hà Nội, ông Azzeddine Farhane, Đại sứ Maroc tại Việt Nam đã chủ trì buổi thảo luận bàn về các cải cách chính sách của Maroc trong thời gian vừa qua.

Dưới sự lãnh đạo của Vua Mohammed VI, Maroc đã tiến hành những cải cách chính sách quan trọng như ban hành Bộ luật gia đình mới, áp dụng Sáng kiến quốc gia về Phát triển con người, các chính sách nhập cư và đối ngoại mới.

Năm 2004, Bộ luật gia đình mới đã được thông qua, trong đó thể chế hoá các quyền của phụ nữ trong hôn nhân, ly hôn và bình đẳng giới. Cụ thể, tuổi kết hôn hợp pháp được nâng lên 18 tuổi cho cả nam và nữ. Bộ luật cũng quy định cả hai vợ chồng đều có nghĩa vụ chia sẻ trách nhiệm gia đình và người đàn ông không thể lấy người vợ thứ hai nếu không có sự đồng ý của người vợ cả.

Cũng theo Bộ luật gia đình mới, nghĩa vụ chăm sóc con cái trước hết thuộc về người mẹ, sau đó đến người cha, bà ngoại hoặc tất cả những người mà thẩm phán xét thấy có tư cách phụ huynh theo những công ước quốc tế mà Maroc đã ký. Mặt khác, trẻ em sinh ra ngoài giá thú được quyền nhận cha con.

Năm 2005, vua Mohammed VI đã khởi xướng Sáng kiến quốc gia về phát triển con người. Theo ông Azzeddine Farhane, Đại sứ Maroc tại Việt Nam, sáng kiến này tập trung vào việc xóa đói giảm nghèo và tăng cường tiếp cận của người dân với các quyền cơ bản.

Bốn chương trình chính đã được triển khai để xây dựng cơ sở hạ tầng cơ bản và các dịch vụ xã hội; hỗ trợ cho những người có hoàn cảnh dễ bị tổn thương; cải thiện thu nhập, khuyến khích thanh niên hội nhập kinh tế và hỗ trợ phát triển các thế hệ tương lai.

Ông Azzeddine Farhane, Đại sứ Maroc tại Việt Nam. (Ảnh: Vân Anh/le courrier du vietnam)

Hơn 40 tỷ dirham đã được đầu tư cho chương trình trong vòng 12 năm. 44.000 dự án và 12.000 hoạt động đã được triển khai và mang lại lợi ích thiết thực cho hơn 10 triệu dân trong đó có hơn 50% sống ở nông thôn.

Cải cách nhằm thúc đẩy nhân quyền

Các vấn đề nhân quyền được đề cập mạnh mẽ trong Hiến pháp năm 2011 của Maroc. Trong Hiến pháp này, Maroc cam kết thúc đẩy những quyền con người được quốc tế công nhận.

Hội đồng quốc gia về nhân quyền, Hội đồng kinh tế, xã hội và môi trường, Hội đồng thanh niên, Hội đồng gia đình và trẻ em đã được thành lập. Hiến pháp năm 2011 cũng công nhận Maroc là quốc gia có sự đa dạng văn hóa.

Maroc cũng áp dụng chính sách nhập cư mới. Tháng 9 năm 2013, Vua Mohammed VI đã công bố Chiến lược quốc gia về di trú và tị nạn. Kể từ năm 2014, các nhà chức trách Maroc đã xem xét xử lí hơn 50.000 đơn xin tị nạn.

Vua Mohammed VI được coi là một trong những nhà lãnh đạo tiên phong của Liên minh châu Phi về vấn đề di dân. Nhân Hội nghị thượng đỉnh của Liên minh châu Phi tổ chức vào tháng 1 năm nay, ông đã đệ trình một Chương trình nghị sự châu Phi về vấn đề di dân. Chương trình nghị sự này đưa ra các cách thức quản lí di dân dựa trên các chính sách quốc gia cũng như sự hợp tác giữa các nước trong khu vực và quốc tế.

Chính sách đối ngoại ưu tiên các nước châu Phi

Ưu tiên này được thể hiện trước hết thông qua các cam kết của Maroc tham gia vào các hoạt động gìn giữ hòa bình, đặc biệt là tại khu vực châu Phi. Năm 2018, Maroc trở thành thành viên của Hội đồng hòa bình và an ninh của Liên minh châu Phi. Ngoài ra, đất nước này cũng tích cực tham gia vào việc thúc đẩy kinh tế và đầu tư trong khu vực.

Theo ông Azzeddine Farhane, chính nhờ vào vị trí chiến lược của mình mà Maroc trở thành một trung tâm thương mại và đầu tư ở châu Phi. Là một nước ổn định nhất vùng Bắc Phi, năm 2017, Maroc đã đầu tư 2,75 tỷ USD cho các nước trong châu lục, tăng 12% so với năm 2016./. 

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục