Cải cách hành chính: Cầu nối đưa ngân hàng đến với doanh nghiệp

Trong thời gian qua, ngành ngân hàng đã cắt bỏ 22 thủ tục hành chính, ban hành phương án sửa đổi 48 thủ tục, cắt giảm hơn 20% chi phí tuân thủ thủ tục hành chính.
Cải cách hành chính: Cầu nối đưa ngân hàng đến với doanh nghiệp ảnh 1Chỉ số tiếp cận tín dụng của Việt Nam đã được cải thiện đáng kể. (Nguồn: HDBank)

“Tăng cường mối quan hệ tiếp cận tín dụng giữa doanh nghiệp với ngân hàng là câu chuyện hoàn toàn không mới, nhưng cũng không bao giờ cũ,” Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú luôn nhấn mạnh như vậy tại các cuộc họp với các tổ chức tín dụng.

Bãi bỏ nhiều thủ tục

Môt tin vui đến với ngành ngân hàng, chỉ số tiếp cận tín dụng của Việt Nam đứng vị trí 29/190, tăng 3 bậc và đứng thứ 4 trong ASEAN, đây là con số đã được cải thiện đáng kể và ổn định. Việt Nam nằm trong nhóm 30 nước có chỉ số cao nhất do Ngân hàng Thế giới (WB) công bố tại Báo cáo về môi trường kinh doanh.

Để có được kết quả trên, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, tính riêng trong hai năm 2016 và 2017, Ngân hàng Nhà nước đã rà soát, đơn giản hóa và ban hành theo thẩm quyền các thông tư bãi bỏ 22 thủ tục hành chính, ban hành phương án sửa đổi 48 thủ tục; cắt giảm hơn 20% chi phí tuân thủ thủ tục hành chính.

[Điều tra sự hài lòng đối với giải quyết thủ tục hành chính ở ngân hàng]

Kết quả này cho thấy hiệu quả của việc thực hiện các giải pháp cải cách hành chính, tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp mà Ngân hàng Nhà nước đã quyết liệt triển khai trong thời gian qua.

Thông tin từ Ngân hàng Nhà nước cho biết, trong thời gian qua, toàn bộ quá trình giải quyết thủ tục hành chính tại Ngân hàng Nhà nước được quản lý và thực hiện thống nhất theo tiêu chuẩn ISO và cơ chế một cửa từ khâu nhận hồ sơ đến khi trả kết quả.

Về cải cách thủ tục hành chính của các tổ chức tín dụng, mặc dù cũng là loại hình doanh nghiệp, nhưng theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, hệ thống các thủ tục hành chính đã chủ động rà soát, cắt giảm, bãi bỏ nhiều thủ tục hành chính tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận vay vốn và sử dụng các dịch vụ.

Các tổ chức tín dụng đã tích cực đổi mới thủ tục giao dịch; công bố công khai trên trang tin điện tử các thông tin về hồ sơ tín dụng, dịch vụ, lãi suất, phí dịch vụ; quy định tiêu chuẩn chất lượng đối với các dịch vụ; cắt bỏ nhiều loại phí cho vay không cần thiết.

Quy trình sản phẩm dịch vụ cho khách hàng được cải tiến thuận tiện, nhanh gọn, sản phẩm được đa dạng hóa thông qua việc ứng dụng công nghệ (Internet Banking, Mobile Banking...).

Đồng hành cùng ngành ngân hàng trong một thời gian dài, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc nhìn nhận ngân hàng là ngành tiên phong trong tiếp cận giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp.

"Trước hết phải nói rằng thời gian qua và 2 năm gần đây ngành ngân hàng đã có những tiến bộ vượt bậc trong phần ổn định kinh tế vĩ mô và cung ứng tín dụng cho sự phát triển của doanh nghiệp. Và một trong hai lĩnh vực mà có tiến bộ nổi trội trong cải cách thủ tục hành chính," ông Lộc chia sẻ.

Ông Lộc nhấn mạnh thêm, điều mà ngành ngân hàng làm được còn hơn cả những con số. Vì ở các nước khác nguồn trung dài hạn được cung ứng bởi thị trường vốn, thị trường chứng khoán thì ở Việt Nam ngành ngân hàng đang gánh thay trách nhiệm với dư nợ chiếm 55% là cho vay trung dài hạn.

Ông Lộc ví von, nếu cần tôn vinh tặng hoa cho những đơn vị làm tốt 2 vấn đề này thì 2 bông hoa đẹp nhất sẽ dành tặng cho ngành ngân hàng.

Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Quốc Hùng cho biết, thời gian qua, bên cạnh việc triển khai đồng bộ các giải pháp như hoàn thiện khuôn khổ pháp lý hoạt động cho vay, Ngân hàng Nhà nước cũng đã triển khai các chương trình tín dụng đặc thù nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp về vốn để duy trì và phát triển sản xuất kinh doanh.

Tuy nhiên, ông Hùng cũng thẳng thắn nhìn nhận, việc triển khai các chương trình cho vay đối với người dân, doanh nghiệp còn một số khó khăn. Cụ thể như thị trường đầu ra thiếu ổn định, chính sách đất đai, thuế tại một số địa phương chưa được quan tâm kịp thời khiến hạn chế khả năng tiếp cận vốn vay chính sách đất đai, thuế đã ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng.

Cải cách hành chính: Cầu nối đưa ngân hàng đến với doanh nghiệp ảnh 2Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Chữ tín là quan trọng

Đáng nói hơn là chỉ số niềm tin với ngành ngân hàng tăng cao trong lòng doanh nghiệp. Bà Nguyễn Thu Hà, Tổng giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Lexim đánh giá từ những trải nghiệm của bà và doanh nghiệp sau 6 năm. Năm 2012 bà tiếp cận vốn ngân hàng gặp rất nhiều khó khăn và chỉ nhận được những lời hứa suông.

Nhưng vài năm trở lại đây, khi tiếp cận với ngân hàng, bà Hà đã cảm nhận sự thay đổi cả về nhận thức và hành động trong hoạt động cung ứng tín dụng của ngân hàng. Niềm tin với ngành ngân hàng dày thêm với việc lãi suất hạ từ 18% xuống 15% năm 2012 và giờ thấp hơn nhiều đã bổ trợ cho doanh nghiệp nguồn vốn trung dài hạn kinh doanh, bên cạnh nguồn vốn của đối tác nước ngoài.

“Chỉ có niềm tin thì ngân hàng và doanh nghiệp mới đồng hành được, từ đó có hỗ trợ cụ thể chứ không đơn thuần chỉ là đáp ứng vốn,” bà Hà chia sẻ.

Cùng chung quan điểm với bà Hà, lãnh đạo Công ty trách nhiệm hữu hạn Ba Huân cho biết, nhờ cải cách thủ tục quy trình cho vay, dự án thực phẩm sạch Ba Huân đã được triển khai thành công tại miền Bắc.

Đây là nhà máy đầu tiên của Ba Huân tại thị trường miền Bắc có quy mô 2 ha, tổng vốn đầu tư trên 100 tỷ đồng. Công suất xử lý đạt 65.000 quả trứng/giờ bằng dây chuyền thiết bị nhập khẩu, xử lý trứng tự động hóa 100% của hãng Moba, Hà Lan.

Để thẩm định được gói vay này, Vietcombank và các ngân hàng khác nhờ cải cách thủ tục hành chính đã tiến hành với quy trình đầy đủ, chặt chẽ, nhanh chóng và dự án được đánh giá có tính khả thi cao để được cấp tín dụng cho sản xuất kinh doanh. Có thể nói, nhờ lãi suất hợp lý, cạnh tranh, sự phục vụ tận tình của nhân viên ngân hàng và các dịch vụ ưu đãi đi kèm nên Ba Huân đã chọn Vietcombank Hà Tây để hợp tác.

Câu chuyện về cho vay không có tài sản thế chấp và giảm tỷ lệ tài sản thế chấp luôn là những vấn đề nổi cộm trong các hợp đồng vay vốn.

Bà Nguyễn Kim Oanh, Phó Tổng giám đốc Vietcombank tâm tư: "Có nhiều doanh nghiệp đặt câu hỏi cho chúng tôi làm thế nào để được vay mà không có tài sản đảm bảo. Chúng tôi trả lời luôn, tài sản đảm bảo không phải là điều kiện duy nhất cho vay, quan trọng là daonh nghiệp cần phải tạo được uy tín với khách hàng từ trình độ quản trị, đến dữ liệu tài chính, từ đó ngân hàng mới có niềm tin để phê duyệt dự án, xác định giá cho vay. Tuy nhiên, hiện nay vẫn có tình trạng hồ sơ tài chính không thống nhất, có sự "vênh" giữa báo cáo nội bộ của doanh nghiệp với báo cáo cho ngân hàng, báo cáo thuế," bà Oanh chia sẻ.

Những doanh nghiệp gặp khó khăn khi tiếp cận vốn ngân hàng, thường chưa đáp ứng được điều kiện vay vốn. "Do đó, để cải thiện việc tiếp cận tín dụng, doanh nghiệp cần trung thực và giữ chữ “tín”, đảm bảo tính hợp nhất giữa báo cáo tài chính vay vốn và báo cáo thuế, đủ năng lực quản trị và phải chắc chắn có phương án sản xuất kinh doanh khả thi," bà Oanh khuyến nghị.

Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho rằng, câu chuyện cải cách thủ tục hành chính, Ngân hàng Nhà nước không chỉ thực hiện mà còn đặt ra trách nhiệm cho toàn hệ thống ngân hàng trong thời gian qua cũng như trong thời gian tới để tiếp tục công khai, minh bạch, cắt bỏ thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận tín dụng và dịch vụ ngân hàng.

Điều đáng nói là thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước có sự chủ động trong việc khơi thông quan hệ tín dụng điển hình là Thông tư 39 được xem như tháo gỡ cho ngân hàng thương mại, trao quyền tự quyết cho ngân hàng thương mại trong cho vay, việc thế chấp hay không do ngân hàng thương mại tự quyết định. Ngân hàng Nhà nước cũng đã tạo sự bình đẳng về vốn, thủ tục, lãi suất, ngân hàng và doanh nghiệp có quyền lựa chọn lẫn nhau./.

Phó Thống đốc Đào Minh Tú chia sẻ về chỉ số tiếp cận tín dụng
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Đồng nhân dân tệ của Trung Quốc. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trung Quốc thông báo giảm lãi suất cho vay cơ bản

Lãi suất cho vay cơ bản kỳ hạn 1 năm đã được giảm 0,25 điểm phần trăm, từ 3,35% xuống 3,10%, trong khi lãi suất cho vay cơ bản kỳ hạn 5 năm cũng được giảm mức tương tự từ 3,85% xuống 3,6%.