Cải thiện chất lượng nguồn nhân lực là “chìa khoá” thu hút đầu tư

Trong quá trình hội nhập, chất lượng nguồn nhân lực sẽ là một trong những yếu tố quan trọng ​để thu hút các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam, tạo ra nhiều việc làm tốt hơn.
Lao động Việt Nam làm việc trong doanh nghiệp FDI. (Ảnh minh họa: TTXVN)

Việt Nam đang đứng trước rất nhiều cơ hội để phát triển kinh tế và hội nhập. Trong quá trình này, chất lượng nguồn nhân lực sẽ là một trong những yếu tố quan trọng ​để thu hút các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam, tạo ra nhiều việc làm tốt hơn.

Đây là thông tin được đưa ra tại Hội nghị về các xu hướng thay đổi toàn cầu và phương thức phát triển chiến lược dạy nghề tại Việt Nam đáp ứng được các yêu cầu của thị trường lao động do Đại sứ quán Vương quốc Anh và Bắc ​Ireland phối hợp với Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tổ chức ngày 7/3, tại Hà Nội.

Việt Nam đang bước vào một kỷ nguyên mới của hội nhập quốc tế thông qua sự hình thành của Cộng đồng ASEAN và các Hiệp định tự do thương mại thế hệ mới như Hiệp định xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định Việt Nam-EU. Khi có được các kỹ năng phù hợp, Việt Nam sẽ là nơi hấp dẫn cho các doanh nghiệp từ khắp nơi trên thế giới đến đầu tư.

Với việc coi đổi mới giáo dục và dạy nghề là mục tiêu quan trọng của Chiến lược phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2011-2020 của Chính phủ, việc cải tiến chất lượng lao động sẽ là mấu chốt để tiếp tục hiện đại hóa nền kinh tế và phát triển bền vững tại Việt Nam.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, đến nay Việt Nam mới có hơn 50% lao động qua đào tạo, trong đó nhiều lao động chỉ qua đào tạo vài tháng và thực tế, so với các nước trong khu vực, lực lượng lao động Việt Nam chưa đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp.

Vì vậy, Việt Nam cần nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo để đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp trong và ngoài nước, từ đó mở ra cơ hội tìm kiếm việc làm và nâng cao đời sống cho người lao động.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, một số số liệu chỉ ra rằng nếu chia lao động làm ba tầng: ​Đối với lao động gián tiếp, quản lý ở trong các doanh nghiệp thì có 80% lao động của Việt Nam chưa đáp ứng được mong muốn của doanh nghiệp; đối với lao động kỹ thuật (đối tượng chủ yếu của trung cấp và dạy nghề) có 60% thiếu các kỹ năng cần thiết; đối với lao động giản đơn chỉ có 20% chưa đáp ứng được yêu cầu doanh nghiệp. Điều này cho thấy trình độ lao động càng cao thì càng cần cải thiện đào tạo nghề.

“Chúng ta muốn phát triển, tăng năng suất thì còn rất nhiều việc phải làm nhưng quan trọng nhất là chất lượng đào tạo nghề phải tăng lên. Điều này không đơn thuần nằm ở phương pháp dạy, phươn pháp học hay điều kiện vật chất máy móc trang thiết bị mà còn ở chính sách sử dụng, đãi ngộ, thu hút vào lĩnh vực đầu tư giáo dục và doanh nghiệp phải tham gia nhiều hơn vào mối quan hệ giữa đào tạo và sử dụng lao động. Việc phân bổ các cơ sở đào tạo nghề cũng cần được cân nhắc.”

Tại hội nghị, các đại biểu đã trao đổi về các xu hướng toàn cầu trong lĩnh vực giáo dục dạy nghề và các thách thức mà Việt Nam cũng như các nước đang phát triển khác sẽ phải đối mặt. Các đại biểu tham dự cũng sẽ thào luận về cách thức Việt Nam có thể nắm bắt các cơ hội để tiếp tục phát triển thành công đến năm 2020 và xa hơn nữa.

Tiếp theo hội nghị hôm nay, vào ngày mai 8/3, Hội đồng Anh sẽ tổ chức một cuộc hội thảo quốc gia để hỗ trợ tăng cường hợp tác giữa Anh và các cơ sở dạy nghề Việt Nam nhằm thiết lập các cơ chế, công cụ đảm bảo chất lượng dạy nghề của các cơ sở dạy nghề Việt Nam theo chuẩn của Anh. Hoạt động này nằm trong khuôn khổ Chương trình đối tác quốc tế về kỹ năng của Hội đồng Anh.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục