Cam kết tài trợ gần 28.500 tỷ đồng cho Đồng bằng sông Cửu Long

Bảy tổ chức tín dụng tiếp tục cam kết tài trợ vốn cho 73 dự án thuộc các lĩnh vực kinh tế-xã hội vùng Đồng bằng sông Cửu Long với tổng số tiền cam kết cho vay gần 28.500 tỷ đồng
Cam kết tài trợ gần 28.500 tỷ đồng cho Đồng bằng sông Cửu Long ảnh 1Một hội chợ tại Đồng bằng sông Cửu Long. (Nguồn: TTXVN)

Tại hội thảo về hoạt động tín dụng ngân hàng thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội vùng Đồng bằng vùng Cửu Long, tổ chức tại Hậu Giang ngày 12/7, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú ​chia sẻ các tổ chức tín dụng cam kết tài trợ gần 28.500 tỷ đồng cho Đồng bằng sông Cửu Long.

Bảy tổ chức tín dụng tiếp tục cam kết tài trợ vốn cho 73 dự án thuộc các lĩnh vực kinh tế-xã hội vùng Đồng bằng sông Cửu Long với tổng số tiền cam kết cho vay gần 28.500 tỷ đồng; trong đó, có 16 hợp đồng tín dụng tiêu biểu với số tiền gần 10.000 tỷ đồng được ký kết ngay tại hội nghị.

Hội thảo này diễn ra trong khuôn khổ Diễn đàn hợp tác kinh tế vùng Đồng bằng sông Cửu Long - MDEC Hậu Giang 2016 và là cơ hội để ngành ngân hàng trao đổi, thảo luận ý kiến từ các địa phương, doanh nghiệp, chuyên gia, nhà khoa học nhằm hoàn thiện các chính sách tín dụng, hoạt động ngân hàng, phục vụ tốt hơn cho phát triển kinh tế-xã hội của khu vực.

Ngoài giải pháp đẩy mạnh đầu tư tín dụng, các đại biểu tập trung tham luận về vấn đề cấp bách cần giải quyết tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long liên quan đến hoạt động tín dụng trong thời gian tới như: quy hoạch và quản lý quy hoạch; ứng phó với biến đổi khí hậu; thị trường tiêu thụ, xây dựng thương hiệu cho nông sản chủ lực của vùng; liên kết vùng, tận dụng các nguồn lực tại chỗ...

Theo ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hậu Giang, những năm qua, bên cạnh nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước, nguồn vốn ngân hàng đã góp phần quan trọng cho phát triển kinh tế-xã hội vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và tỉnh Hậu Giang nói riêng.

Thông qua nguồn vốn tín dụng ngân hàng, nhiều doanh nghiệp, hộ nông dân, trang trại tại khu vực này có điều kiện mở rộng phát triển sản xuất, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản; hình thành các vùng sản xuất hàng hóa lớn, khu chăn nuôi tập trung, vùng chuyển đổi nuôi trồng thủy sản. Đời sống vật chất, tinh thần người dân được cải thiện theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, nâng cao chất lượng giá trị nông sản.

Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước cho thấy hoạt động ngân hàng của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long những năm qua đã đạt được kết quả đáng khích lệ. Huy động vốn luôn có mức tăng trưởng cao hơn mức tăng trưởng chung của cả nước và chiếm khoảng 7% tổng vốn huy động của nền kinh tế. Tín dụng cho khu vực cũng tăng trưởng đều qua các năm. Riêng dư nợ cho vay của các tổ chức tín dụng trên địa bàn Tây Nam Bộ đến ngày 30/6 đạt gần 400.000 tỷ đồng, tăng hơn 3,3% so với cùng kỳ năm 2015 và chiếm hơn 8% tổng dư nợ cho vay toàn nền kinh tế.

Đáng chú ý, cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn tăng hơn 10% so cuối năm 2015, chiếm tỷ trọng gần 22%/ tổng dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn toàn quốc và chiếm gần 48% tổng dư nợ cho vay của khu vực. Một số sản phẩm chủ lực của vùng cũng được đầu tư thỏa đáng, tín dụng lúa gạo tăng hơn 10%, thủy sản tăng hơn 4,3% so năm trước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Đồng nhân dân tệ của Trung Quốc. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trung Quốc thông báo giảm lãi suất cho vay cơ bản

Lãi suất cho vay cơ bản kỳ hạn 1 năm đã được giảm 0,25 điểm phần trăm, từ 3,35% xuống 3,10%, trong khi lãi suất cho vay cơ bản kỳ hạn 5 năm cũng được giảm mức tương tự từ 3,85% xuống 3,6%.