Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên lần hai sẽ diễn ra tại Hà Nội trong những ngày tới, điều này đặc biệt có ý nghĩa khi tròn 20 năm Hà Nội được UNESCO vinh danh là “Thành phố vì hòa bình.”
Nhân dịp này, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam ghi lại những cảm xúc của người dân Thủ đô và du khách về sự kiện đặc biệt nói trên.
Vinh dự là “Thành phố vì hòa bình”
Theo tiến sỹ Nguyễn Viết Chức, Viện trưởng Viện nghiên cứu văn hóa Thăng Long, việc Hà Nội được chọn là nơi diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên lần hai để tiến tới phi hạt nhân hóa, thiết lập hòa bình cho bán đảo Triều Tiên cũng là những nỗ lực của Thủ đô Việt Nam đóng góp cho hòa bình khu vực và thế giới.
Trong suy nghĩ của vị tiến sỹ thì Hà Nội cần coi đây là nhiệm vụ của chính mình, nghĩa vụ thiêng liêng, cao cả của người Việt Nam đối với khu vực và thế giới.
Tiến sỹ Nguyễn Viết Chức cho biết Hà Nội được UNESCO trao tặng danh hiệu “Thành phố vì hòa bình” là sự đánh giá công bằng của thế giới với Hà Nội, trên hết là sự công bằng của lịch sử.
Người Hà Nội đã phải cầm gươm, cầm súng trong hai cuộc chiến tranh khốc liệt gần đây và trong các cuộc chiến chống lại quân xâm lược phương Bắc trước đây. Đây là sự bắt buộc, song người dân Hà Nội về bản chất là những con người hiền hòa, thanh lịch, khát khao hòa bình.
[Chủ tịch Hà Nội: Mỗi người dân là một sứ giả quảng bá hình ảnh Thủ đô]
Thậm chí lịch sử đã khẳng định rất rõ điều này qua huyền thoại vua Lê Lợi trả gươm thần sau khi giành được thắng lợi, đó là việc mượn gươm để đánh giặc nhưng khi hòa bình lại trả gươm, tập trung vào việc xây dựng đất nước.
Đây là tư tưởng thể hiện niềm khát khao hòa bình đã đi vào tâm hồn, đi vào trái tim của người Hà Nội, một thông điệp rõ ràng với thế giới luôn hướng tới hòa bình.
Không phải ngẫu nhiên Hà Nội xây dựng Công viên Hòa Bình tại cửa ngõ Thủ đô mà đó là lời chào của Hà Nội đối với du khách gần xa, gửi gắm ý tưởng đến với Hà Nội là đến với hòa bình.
Từ lịch sử khát khao hòa bình, Hà Nội đã đóng góp sức lực, trí tuệ và máu xương cho hòa bình, cho giải phóng dân tộc, chấm dứt chế độ thực dân, lập lại hòa bình.Việt Nam tiếp tục đóng góp sức mình cho hòa bình, làm bạn với tất cả, là đối tác tin cậy của khu vực và thế giới. Chủ trương làm bạn với tất cả là chủ trương đúng đắn, đối thoại tránh đối đầu.
Dù Việt Nam còn nhiều khó khăn nhưng đã đóng góp sức mình với thế giới, trở thành thành viên có trách nhiệm của Liên hợp quốc khi tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình.
Tiến sỹ Nguyễn Viết Chức khẳng định vinh dự là “Thành phố vì hòa bình,” Hà Nội cần tiếp tục gìn giữ tinh thần ấy trong trái tim mình. Mọi người dân phải hiểu được giá trị, ý nghĩa to lớn của hòa bình, truyền thống khát khao hòa bình của người Hà Nội. Hà Nội cần tiếp tục phấn đấu trở thành điểm đến của du lịch và đầu tư, tuyên truyền cho du khách hiểu truyền thống Thăng Long-Hà Nội. Thủ đô cũng đóng góp tích cực cho hoạt động mang tính xây dựng hòa bình.
Mong muốn Hà Nội mang lại hòa bình cho người dân và cho thế giới
Ông Santlado Blanlo, du khách Tây Ban Nha, chia sẻ: "Trong những ngày tham quan Hà Nội tôi thực sự ngạc nhiên bởi Hà Nội đẹp, thanh bình và con người thân thiện. Tôi đã đến thăm Hồ Hoàn Kiếm, Văn Miếu-Quốc Tử Giám và các con phố của Hà Nội, cảm nhận sự tưng bừng, rộn rã. Đặc biệt là các tuyến phố trung tâm thành phố có rất nhiều hoa, cờ; đường phố ngăn nắp, gọn gàng; mọi người ai cũng hồ hởi. Không chỉ sáng sớm mà tối muộn chúng tôi vẫn thấy các công nhân miệt mài sắp đặt hoa, treo cờ trang trí."
Theo ông Santlado Blanlo, việc Hà Nội được chọn làm nơi tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên cũng khiến khách du lịch vui mừng bởi đây là sự kiện thu hút mối quan tâm của toàn thế giới, người dân các nước đều mong cuộc đàm phán giữa hai nhà lãnh đạo thành công, mang lại hòa bình cho nhân loại.
Ông Santlado Blanlo chúc mừng người dân Hà Nội nhân dịp kỷ niệm 20 năm đón nhận danh hiệu “Thành phố vì hòa bình.” Ông mong muốn Hà Nội sẽ luôn mang lại sự bình yên cho cư dân của mình cũng như người dân các nước khác.
Quảng bá đất nước, con người Việt Nam
Anh Nguyễn Quốc Huy, trú tại khu đô thị Linh Đàm, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, cho biết Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên lần hai được tổ chức tại Hà Nội đã làm nóng không khí các đường phố. Qua sự kiện này uy tín của Việt Nam sẽ được nâng lên trên trường quốc tế.
Người dân Thủ đô rất vui vì đây cũng là dịp thuận lợi để Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam tươi đẹp và thân thiện với bạn bè khắp thế giới.
Theo anh Nguyễn Quốc Huy, nước ta đang trong thời kỳ hội nhập, mở rộng quan hệ quốc tế, với tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước ta, người dân Việt Nam sẽ còn được chứng kiến nhiều điều tốt đẹp, mới mẻ đến với quê hương, đất nước. Đặc biệt, anh Huy rất ấn tượng với biểu tượng "bàn tay nắm lấy bàn tay" cùng quốc kỳ Việt Nam, Mỹ và Triều Tiên treo quanh Hồ Hoàn Kiếm, thể hiện thông điệp hòa bình từ cuộc gặp gỡ giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên.
Chào đón sự kiện Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên lần hai sẽ diễn ra vào ngày 27-28/2, vào những ngày này Thủ đô Hà Nội như khoác trên mình một chiếc áo mới, lộng lẫy, tinh tươm.
Những con đường dẫn vào nội đô được trang trí bằng hoa, cây cảnh, pano, áp phích với nội dung tuyên truyền, quảng bá về hội nghị, về thiên nhiên, đất nước, con người Việt Nam và thông điệp hòa bình của Hà Nội.
Chị Nguyễn Kim Chi, trú tại phường Quảng An, quận Tây Hồ, tâm sự: Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên lần hai chưa diễn ra nhưng tôi thấy người dân đã hết sức quan tâm. Có lẽ đây là cuộc gặp của hai nhà lãnh đạo nổi tiếng và thông điệp họ đưa đến đã thu hút sự quan tâm từ phía người dân.
Hà Nội đã chuẩn bị đón các nhà lãnh đạo rất chu đáo, trang trí cờ hoa; các biện pháp đảm bảo an toàn giao thông cũng được tăng cường. Sự hiện diện trên đường phố Hà Nội của các đoàn xe phục vụ các vị khác quý cũng thật thú vị.
Chia sẻ về việc Hà Nội được lựa chọn là nơi tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên lần hai, anh Phan Tuấn Anh, trú tại số nhà 51 Hàng Thiếc, quận Hoàn Kiếm, cho biết: “Bản thân tôi và gia đình sinh sống tại khu phố cổ Hà Nội nên khi biết về sự kiện này thì gia đình tôi và hàng xóm đã bảo nhau dọn dẹp sạch sẽ khu vực phía trước cửa nhà và cả khu phố. Chúng tôi muốn tạo ấn tượng thật tốt đẹp với khách quốc tế đến với Hà Nội trong dịp này.”
Trong khi đó, chị Trương Tiểu Phương, trú phường Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy, Hà Nội, bày tỏ: "Đây là cơ hội để hình ảnh đất nước Việt Nam và Thủ đô chúng ta vươn xa hơn trên thế giới. Là người dân Hà Nội, tôi thực sự cảm thấy vinh dự và tự hào. Chắc chắn sau sự kiện này tôi sẽ cùng đồng nghiệp, gia đình cố gắng gìn giữ hơn nữa hình ảnh tốt đẹp của Thủ đô để xứng đáng với danh hiệu Thành phố Vì hòa bình mà Hà Nội đã được vinh danh trong 20 năm qua”./.