Cảm nhận không khí Tết xưa trong các ngôi nhà trên phố cổ Hà Nội

Chiều 19/1, tại đình Kim Ngân, 42-44 Hàng Bạc (Hoàn Kiếm), Ban quản lý phố cổ Hà Nội tưng bừng tổ chức các hoạt động văn hóa đón Tết Nguyên đán Đinh Dậu.
Cảm nhận không khí Tết xưa trong các ngôi nhà trên phố cổ Hà Nội ảnh 1Trưng bày tranh dân gian tại đình Kim Ngân. (Ảnh: Đinh Thuận/TTXVN)

Chiều 19/1, tại đình Kim Ngân, 42-44 Hàng Bạc (Hoàn Kiếm), Ban quản lý phố cổ Hà Nội tưng bừng tổ chức các hoạt động văn hóa đón Tết Nguyên đán Đinh Dậu.

Hoạt động này nhằm bảo tồn và tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống, mang đến cho du khách, đặc biệt là các bạn trẻ những giá trị tiêu biểu trong nét sinh hoạt Tết truyền thống của người Hà Nội xưa và các vùng ven đô.

Tại đình Kim Ngân, Ban quản lý phố cổ Hà Nội giới thiệu và trình diễn ba dòng tranh dân gian Hàng Trống, Kim Hoàng (Hà Nội), Đông Hồ (Bắc Ninh); đồng thời trang trí, sắp đặt không gian Tết truyền thống.

Tại Ngôi nhà Di sản 87 Mã Mây giới thiệu không gian đón Tết của một gia đình Hà Nội xưa, giới thiệu ảnh Tết xưa của Viện Thông tin khoa học Xã hội Việt Nam.

Tại Trung tâm Giao lưu Văn hóa Phố cổ Hà Nội 50 Đào Duy Từ giới thiệu không gian đón Tết xưa của một gia đình trong ngôi nhà truyền thống đồng bằng Bắc Bộ.

Trung tâm Thông tin Di sản Phố cổ 28 Hàng Buồm trình diễn thư pháp và vẽ tranh Tết dân gian, vẽ tranh hoa văn bằng chất liệu hiện đại và trưng bày ứng dụng sản phẩm mỹ thuật truyền thống.

Bên cạnh đó, tại các điểm di sản còn tổ chức biểu diễn âm nhạc truyền thống tại các điểm di tích trong khu phố cổ Hà Nội.

Chia sẻ về các hoạt động văn hóa đón Tết Nguyên đán, bà Trần Thúy Lan - Phó trưởng ban quản lý phố cổ Hà Nội cho biết người Việt đón Tết không chỉ để vui chơi mà còn là cách thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, tưởng nhớ cha ông, lưu giữ các giá trị truyền thống từ nghìn xưa để lại.

Với mục tiêu bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc khu phố cổ, Ban quản lý phố cổ Hà Nội tiếp tục dành nguồn lực cho bảo tồn, phát huy giá trị di sản khu phố cổ cũng như các hoạt động giao lưu văn hóa nghệ thuật truyền thống. Các hoạt động văn hóa tại khu phố cổ diễn ra đến ngày 12/2.

Cũng nhân dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017, từ ngày 20/1 đến ngày 28/2, tại Hoàng thành Thăng Long, Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long-Hà Nội phối hợp với các cơ quan, đơn vị, làng nghề tổ chức nhiều hoạt động trưng bày, triển lãm, văn hóa truyền thống phục vụ nhân dân.

Triển lãm tranh Tết truyền thống Việt Nam giới thiệu 3 dòng tranh dân gian Việt Nam tiêu biểu là tranh Hàng Trống, tranh Kim Hoàng và tranh Đông Hồ qua bộ sưu tập của Bảo tàng gốm sứ Hà Nội; triển lãm Triều phục Việt Nam giới thiệu bộ sưu tập của nhà nghiên cứu Trịnh Bách và Trinh Family Foudation với 15 bộ triều phục của chúa Trịnh và vua Nguyễn như áo Ngự hàn Viên Long của Chúa Trịnh, áo Đoạn kép của Chúa Trịnh, Hoàng (Long) Bào Đại Triều mùa Xuân-Hạ của Hoàng đế, áo Cát phục Viên Long của Vua Đồng Khánh…

Triển lãm ảnh di sản Việt Nam giới thiệu 100 tác phẩm xuất sắc được lựa chọn từ cuộc thi ảnh di sản Việt Nam.

Sân Đoan Môn được trang trí một số mô hình tiểu cảnh hoa kết hợp trưng bày cây ảnh nghệ thuật tạo thêm không gian để du khách tham quan.

Trong dịp này, Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long-Hà Nội cũng trưng bày tại chỗ và mở cửa phục vụ khách tham quan khu vực di tích khảo cổ học mới phát lộ; đồng thời, tái hiện không gian dâng hương điện Kính Thiên, giúp du khách có những hình dung ban đầu về kết quả nghiên cứu điện Kính Thiên.

Trong những ngày đầu xuân, du khách đến Hoàng thành Thăng Long cũng được thưởng thức nhiều hoạt động văn hóa truyền thống như Lễ cúng ông Công, ông Táo; lễ dâng hương tưởng nhớ các bậc tiên đế; biểu diễn múa rối nước tạo không khí vui tươi, ấm áp, giàu bản sắc văn hóa của mùa xuân mới...

Khu di sản Hoàng thành Thăng Long nghỉ các ngày 26 đến 28/1 (tức ngày 29 đến ngày mùng 1 Tết Đinh Dậu), mở cửa phục vụ khách tham quan từ ngày 29/1 (tức ngày mùng 2 Tết Đinh Dậu)./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Các đôi bò bứt tốc về đích. (Ảnh: Công Mạo/TTXVN)

Tưng bừng Hội đua bò Bảy Núi An Giang năm 2024

Tham gia Hội đua bò Bảy Núi năm nay có 64 đôi bò đến từ các huyện Tri Tôn, Thoại Sơn, Châu Phú, Châu Thành, thị xã Tịnh Biên (An Giang) và các đôi bò đến từ huyện Giang Thành (Kiên Giang).

Festival Thu Hà Nội 2024

Festival Thu Hà Nội 2024

Với nhiều hoạt động sôi nổi, đầy màu sắc cùng giá trị truyền thống văn hóa, nghệ thuật đặc sắc của mùa Thu Hà Nội, Festival Thu Hà Nội 2024 hứa hẹn mang đến cho du khách những trải nghiệm thú vị.