Ngày 24/7, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tới dự Lễ kỷ niệm 60 năm thành lập Viện Kiểm sát Nhân dân (26/7/1960-26/7/2015) và Đại hội thi đua yêu nước của ngành lần thứ VI.
Cùng dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng Trần Quốc Vượng; các Bí thư Trung ương Đảng: Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Trần Cẩm Tú, Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Trung ương; Phan Đình Trạc, Trưởng ban Nội chính Trung ương; Nguyễn Hòa Bình - Chánh án TAND tối cao.
Dự lễ còn có Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh; Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu và lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương.
Tại buổi lễ, thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phú đã trân trọng gắn Huân chương Hồ Chí Minh lên lá cờ truyền thống của ngành kiểm sát nhân dân.
Cũng nhân dịp này, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao Lê Minh Trí vinh dự được trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất.
Trong diễn văn tại buổi lễ, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao Lê Minh Trí nêu rõ, trên cơ sở Hiến pháp năm 1959, ngày 15/7/1960, tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa II nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã thông qua Luật Tổ chức Viện Kiểm sát Nhân dân.
Ngày 26/7/1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh số 20-LCT công bố Luật Tổ chức Viện Kiểm sát Nhân dân. Luật Tổ chức Viện Kiểm sát Nhân dân năm 1960 đã quy định Viện Kiểm sát Nhân dân kiểm sát việc tuân theo pháp luật, thực hành quyền công tố nhà nước, bảo đảm cho pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất.
Luật Tổ chức Viện Kiểm sát Nhân dân năm 1960 là cơ sở pháp lý quan trọng đánh dấu sự ra đời của hệ thống cơ quan Viện Kiểm sát Nhân dân trong bộ máy Nhà nước Việt Nam và kể từ đó, ngày 26/7 hằng năm trở thành ngày truyền thống của ngành Kiểm sát nhân dân.
Cũng tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa II nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đồng chí Hoàng Quốc Việt đã được bầu làm Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao.
Trải qua 60 năm xây dựng và trưởng thành, vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, ngành kiểm sát nhân dân đã có nhiều đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân.
Trải qua các thời kỳ khác nhau, Viện Kiểm sát Nhân dân ra đời, xây dựng và phát triển đáp ứng yêu cầu khách quan của cách mạng Việt Nam, là cơ quan thực hiện nhiệm vụ chính trị của Đảng trong lãnh đạo Nhà nước về tư pháp, có vai trò quan trọng trong bộ máy Nhà nước, trong hệ thống chính trị và trong đời sống xã hội ở Việt Nam.
Song, ngành kiểm sát nhân dân đang đứng trước nhiều thách thức, áp lực do tình hình tội phạm tăng, nhất là các loại tội phạm mới, tội phạm phi truyền thống đang nảy sinh, phát triển và diễn biến phức tạp, như tội phạm công nghệ cao, tội phạm ma túy xuyên quốc gia, tội pham rửa tiền….
Từ năm 2016, ngành kiểm sát phải thực hiện nhiều nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm mới tăng thêm theo các đạo luật về tư pháp, trong khi phải giảm biên chế theo chủ trương của Bộ Chính trị và các nguồn lực cho ngành kiểm sát nhân dân hiện nay chưa đáp ứng đủ theo yêu cầu nhất là yêu cầu bảo vệ quyền con người ngày càng cao trong hoạt động tố tụng hình sự, đòi hỏi ngành kiểm sát vừa phải thực hiện yêu cầu chống bỏ lọt tội phạm, vừa không được làm oan người vô tội.
Đặc biệt là yêu cầu chống tham nhũng do Đảng, Nhà nước đang đặt ra rất cao, đòi hỏi ngành kiểm sát phải nâng cao vai trò, trách nhiệm, bản lĩnh trong công tác đấu tranh phòng và chống tham nhũng và các loại tội phạm nguy hiểm khác.
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá trải qua 60 năm xây dựng và trưởng thành, ngành kiểm sát đã không ngừng phấn đấu, vượt qua khó khăn, thử thách và đã hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm các quyền dân chủ của nhân dân, xứng đáng với truyền thống “Nghiêm chỉnh tuân thủ pháp luật, kiên quyết tấn công tội phạm, bản lĩnh thực thi công lý, tận tâm bảo vệ nhân dân."
Các thế hệ cán bộ ngành kiểm sát đã được tôi luyện và ngày càng trưởng thành, luôn nêu cao bản lĩnh chính trị, giữ vững phẩm chất đạo đức, kiên quyết đấu tranh phòng, chống tôi phạm, thực thi pháp luật nghiêm chỉnh và thống nhất.
Viện Kiểm sát các cấp luôn phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tiến hành tố tụng, truy tố đúng người, đúng tội, đúng pháp luật với hàng trăm nghìn vụ án hình sự, hàng trăm nghìn bị can. Toàn ngành đã đổi mới tư duy, tổ chức bộ máy và biện pháp công tác, đấu tranh ngày càng hiệu quả đối với các tội phạm, kể cả tội phạm phi truyền thống như tội phạm công nghệ cao, tội phạm tài chính-chứng khoán, tội phạm môi trường, tội phạm có yếu tố nước ngoài...
Nhân dịp này, Thủ tướng đề nghị ngành kiểm sát nhân dân cần thực hiện tốt chức năng Hiến định là thực hành quyền công tố và kiếm sát hoạt động tư pháp, trong đó tập trung những nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới. Đó là phải bám sát nhiệm vụ chính trị của Đảng, Nhà nước giao, quán triệt, thực hiện hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực tư pháp. Cẩn trọng trước những vấn đề phức tạp, nhạy cảm, ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội của đất nước trong quá trình thực thi nhiệm vụ.
[Số hóa hồ sơ, xây dựng nền tảng công nghệ số cho ngành kiểm sát]
Cán bộ, công chức, kiểm sát viên ngành kiểm sát cần tiếp tục nâng cao trách nhiệm, bản lĩnh trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, góp phần xây dựng môi trường lành mạnh để phát triển kinh tế.
Thủ tướng mong muốn Viện Kiểm sát Nhân dân phải thực sự là công cụ sắc bén của Đảng trong công tác đấu tranh phát hiện, xử lý tội phạm tham nhũng, góp phần bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ, củng cố niềm tin của nhân dân. Tiếp tục phát huy trách nhiệm, hiệu quả hoạt động kiểm sát tư pháp, nhất là của cơ quan điều tra của Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, bảo đảm cơ quan này thực sự là thiết chế kiểm soát quyền lực trong hoạt động tư pháp, góp phần làm trong sạch đội ngũ cán bộ tư pháp.
Trách nhiệm công tố cần được tăng cường, bảo đảm công tố phải gắn với hoạt động điều tra, thực hiện tốt nhiệm vụ chống oan sai, bỏ lọt tội phạm; phối hợp với các cơ quan hữu quan xử lý kịp thời, nghiêm minh các vụ án hình sự nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, các vụ khiếu kiện đông người, các “điểm nóng," giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.
Lãnh đạo Viện Kiểm sát các cấp phải thường xuyên chăm lo giáo dục, bồi dưỡng nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, năng lực trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ, kiểm sát viên; xây dựng đội ngũ cán bộ vững về chính trị, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật, công tâm và bản lĩnh, kỷ cương và trách nhiệm, đủ sức đảm đương, gánh vác trọng trách được giao của ngành kiểm sát trong tình hình mới.
Ngành nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế trong việc thu hồi tài sản của Nhà nước bị thất thoát trong các vụ án kinh tế, tham nhũng, ma túy liên quan tới yếu tố nước ngoài; tiếp tục đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước với những nội dung thiết thực, phong phú và hiệu quả, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị, chuyên môn của ngành.
Nhắc đến lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Tư pháp có tốt thì xã hội mới tốt; xã hội tốt thì người dân mới có được hệ thống pháp luật bảo vệ," Thủ tướng nêu rõ, ngành kiểm sát rất vinh dự và tự hào được Bác Hồ trực tiếp chỉ đạo sâu sát, toàn diện từ việc hoàn thiện mô hình tổ chức, cử nhân sự lãnh đạo đến việc đặt ra những yêu cầu cụ thể đối với cán bộ kiểm sát như "Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn," “Giàu sang không thể quyến rũ, nghèo khó không thể chuyển lay, uy lực không thể khuất phục."
Theo Thủ tướng, những tư tưởng và lời dạy vẫn còn nguyên giá trị của Bác Hồ luôn là nguồn động viên lớn lao, định hướng hành động cho mỗi cán bộ, công chức, kiểm sát viên trong việc nâng cao bản lĩnh, ý chí đấu tranh với sai phạm và tội phạm; bảo vệ pháp luật, bảo đảm pháp luật được chấp hành nghiêm minh, thống nhất; bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; xây dựng ngành kiểm sát thực sự là “thanh bảo kiếm” của Đảng, Nhà nước và của nhân dân ta./.