Cần bổ sung nguồn vốn tín dụng chính sách, đẩy lùi tín dụng đen

Để đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng chính sách cho người dân, các đại biểu kiến nghị các bộ ngành tiếp tục quan tâm, ưu tiên tập trung, bố trí nguồn vốn hỗ trợ tạo việc làm, mở rộng đối tượng cho vay.
Nguồn lực để thực hiện tín dụng chính sách xã hội còn hạn chế so với nhu cầu thực tế của người nghèo và các đối tượng chính sách khác.. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Phát biểu tại Hội thảo “Tín dụng chính sách xã hội với vấn đề thực hiện và bảo đảm an sinh xã hội” do Ngân hàng Chính sách xã hội phối hợp Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức ngày 16/8 các đại biểu đều nhìn nhận nguồn lực để thực hiện tín dụng chính sách xã hội còn hạn chế so với nhu cầu thực tế của người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Cơ cấu nguồn vốn tuy đã đa dạng hơn nhưng vẫn chưa thực sự hợp lý và bảo đảm bền vững.

Tín dụng chính sách trở thành "điểm sáng"

Phát biểu khai mạc và đề dẫn hội thảo, ông Nguyễn Xuân Thắng , Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh nhấn mạnh tín dụng chính sách xã hội là chủ trương độc đáo, mang tính nhân văn sâu sắc, đã trở thành một “điểm sáng” và là một trong những “trụ cột” trong hệ thống các chính sách giảm nghèo, bảo đảm an sinh và an ninh xã hội của Đảng, Nhà nước ta trong tiến trình đổi mới, thể hiện nổi bật tính ưu việt của chế độ ta.

Trong nhiều năm qua, nguồn vốn vay tín dụng chính sách đã mang lại sinh kế, tạo thêm việc làm, cải thiện đời sống nhân dân, thúc đẩy bình đẳng giới, đồng thời góp phần ngăn chặn các tệ nạn cho vay nặng lãi, tín dụng đen, giúp bảo đảm an sinh, trật tự và an toàn xã hội tại các địa phương, nhất là ở những vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới và vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

[Vốn tín dụng chính sách: 20 năm tạo sức mạnh nội sinh để phát triển]

Cũng theo ông Thắng, qua hơn 20 năm hoạt động và phát triển, nhất là sau khi có Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư, Ngân hàng Chính sách xã hội đã thật sự khẳng định được sứ mệnh và trách nhiệm xã hội to lớn của mình, phát huy có hiệu quả mô hình thiết chế sáng tạo, đặc thù trong việc thực hiện tín dụng chính sách, khơi dậy truyền thống nhân ái, “lá lành đùm lá rách” của dân tộc Việt Nam.

Nhìn lại hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội hơn 20 năm qua, đặc biệt 9 năm thực hiện Chỉ thị số 40, Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Dương Quyết Thắng cho biết nguồn vốn tín dụng chính sách đã đáp ứng nhu cầu vay vốn của đông đảo người nghèo và các đối tượng chính sách khác ở 100% xã, phường, thị trấn trên cả nước, trong đó, tập trung ưu tiên cho vay các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới... góp phần tạo việc làm, giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới.

Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Dương Quyết Thắng phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Tổng Giám đốc Dương Quyết Thắng cho biết tính đến hết ngày 31/7, tổng nguồn vốn đạt 324.753, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đạt 305.145 tỷ đồng, tăng 296.514 tỷ đồng so với thời điểm nhận bàn giao (gấp 35 lần), với hơn 6,6 triệu hộ nghèo và các đối tượng chính sách đang còn dư nợ, tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm đạt khoảng 19%/năm. Cùng với tăng trưởng quy mô tín dụng, chất lượng tín dụng chính sách xã hội tiếp tục được củng cố và nâng cao, tổng nợ quá hạn và nợ khoanh là 1.889 tỷ đồng, chiếm 0,62%/tổng dư nợ, trong đó nợ quá hạn 532 tỷ đồng, chiếm khoảng 0,17%/tổng dư nợ.

Cần bổ sung nhiều nguồn vốn đa dạng

Bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, các đại biểu cũng cần thẳng thắn nhìn nhận rằng, việc triển khai tín dụng chính sách xã hội vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập. Nguồn lực để thực hiện tín dụng chính sách xã hội còn hạn chế so với nhu cầu thực tế của người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Cơ cấu nguồn vốn tuy đã đa dạng hơn nhưng vẫn chưa thực sự hợp lý và bảo đảm bền vững. Nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương tại một số tỉnh còn ít, chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Từ thực tiễn triển khai tại địa phương, ông Dương Văn Thái, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang cho biết khi phát triển công nghiệp trên địa bàn tỉnh, khả năng đáp ứng về lao động nhất là lao động qua đào tạo rất khó khăn, đòi hỏi phải đẩy mạnh đào tạo nghề cho người lao động. Trong khi đó, nguồn vốn tín dụng hỗ trợ giải quyết việc làm cho người lao động hiện nay chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu của nhân dân.

Do vậy, ông Thái đề nghị các bộ, ngành trung ương quan tâm, báo cáo và đề xuất với Chính phủ bổ sung nguồn vốn hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm, đáp ứng nhu cầu thực tiễn, mở rộng đối tượng cho vay để đào tạo nghề và hỗ trợ việc làm.

Tổng Giám đốc Dương Quyết Thắng cũng kiến nghị, các bộ ngành tiếp tục quan tâm, ưu tiên tập trung, bố trí nguồn vốn để phát huy vai trò của Ngân hàng Chính sách xã hội là ngân hàng chủ lực trong triển khai, thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách xã hội cho vay người nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Nguồn vốn tín dụng chính sách đã đẩy lùi được nạn tín dụng đen và đảm bảo san sinh xã hội tại nông thôn, đặc biệt là vùng dân tộc thiểu số. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Ngoài ra, các cấp ủy đảng, bộ, ngành, chính quyền địa phương tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội theo Chỉ thị số 40 và Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư quan tâm bố trí nguồn lực từ ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác để bổ sung nguồn vốn cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn; hỗ trợ về cơ sở vật chất, địa điểm, trang thiết bị, phương tiện làm việc nhằm nâng cao năng lực hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội.

Ông Nguyễn Lâm Thành - Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội kiến nghị Chính phủ có kế hoạch tăng nguồn vốn cho vay qua Ngân hàng Chính sách xã hội. Trước mắt bố trí đủ 19.700 tỷ đồng để thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Bố trí cấp bổ sung vốn điều lệ hàng năm cho Ngân hàng Chính sách xã hội. Bố trí cấp bổ sung vốn thực hiện các chương trình do ngân sách nhà nước cấp nhằm đáp ứng đủ nhu cầu vay vốn của các đối tượng thụ hưởng theo mục tiêu đề ra của chương trình.

Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phân bổ nguồn vốn ngân sách nhà nước theo từng năm để đáp ứng nhu cầu giải ngân cho hộ đồng bào nghèo cả giai đoạn của chính sách; phân bổ nguồn vốn hỗ trợ và nguồn vốn cho vay đồng bộ để các địa phương chủ động thực hiện; tạo điều kiện cho Ngân hàng Chính sách xã hội được tiếp nhận nguồn vốn ODA để tạo lập nguồn vốn ổn định lâu dài, lãi suất thấp để tăng nguồn vốn cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Ông Thành kiến nghị thêm, Ngân hàng Nhà nước cần chỉ đạo xây dựng hoàn thiện cơ chế tín dụng của Ngân hàng Chính sách xã hội theo hướng ổn định và bền vững; giảm tối đa các chính sách hỗ trợ để bảo đảm chi phí và gắn trách nhiệm quản lý, thực hiện nghĩa vụ vay, hoàn trả nợ; hoàn thiện chính sách cho vay, thời điểm vay, định mức và lãi suất cho vay ưu đãi đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, đặc biệt hộ nghèo, hộ cận nghèo dân tộc thiểu số, vùng miền núi, biên giới, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục