Vốn tín dụng chính sách xã hội từ Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh Tây Ninh đã giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn, từng bước giúp người dân vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống.
Năm 2023 đã có 34.518 lượt hộ chính sách được vậy vốn, trong đó 100% người dân các ấp, khu phố thuộc 94/94 xã, phường, thị trấn của tỉnh được tiếp cận vốn tín dụng chính sách, góp phần thu hút, tạo việc làm cho gần 12.000 lao động; hơn 3.100 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng hơn 33 nghìn công trình nước sạch, vệ sinh môi trường.
Ông Lê Minh Hải (45 tuổi ngụ khu phố 3, thị trấn Châu Thành, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh) cho biết được vay 100 triệu đồng theo Chương trình hộ mới thoát nghèo của Ngân hàng chính sách xã hội, trước đây, gia đình thường thiếu thốn, buôn bán nhỏ lẻ, cuộc sống bấp bênh và gặp nhiều khó khăn. Năm 2023, ông Hải mạnh dạn làm hồ sơ vay vốn của Ngân hàng chính sách xã hội.
Qua bình xét, gia đình ông được vay 100 triệu đồng để đầu tư cải tạo chuồng trại, chăn nuôi bò sinh sản và trồng cây sắn. Nhờ có nguồn vốn kịp lúc, nên kinh tế gia đình ông đã được cải thiện, có thêm điều kiện để phát triển kinh tế, trang trải cuộc sống, vươn lên thoát nghèo.
Là đối tượng được hưởng theo Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg ngày 17/8/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù, ông Lương Thanh Hồng (ngụ khu phố 4, thị trấn Tân Biên, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh) là cha của anh Lương Hoài Ân (33 tuổi) vừa trải qua khoảng thời gian lầm lỡ của cuộc đời.
Sau khi mãn hạn tù trở về địa phương, Hoài Ân chí thú làm ăn, phụ quán ăn cùng vợ con. Khi được vay vốn, gia đình ông Hồng cùng Hoài Ân như được tiếp thêm sức mạnh để vực dậy ổn định cuộc sống. Ông Hồng chia sẻ: "Với khoản vốn vay này, tôi chỉ biết nói lời cảm ơn đến Đảng, Nhà nước đã tạo điều kiện cho gia đình tôi, đặc biệt cho con tôi có cơ hội vươn lên, làm lại cuộc đời."
Ông Đào Anh Tuấn, Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Tây Ninh cho biết trong năm ngoái, doanh số cho vay trên 1.245 tỷ đồng, đáp ứng cho 34.518 khách hàng vay vốn, doanh số thu nợ trên 674 tỷ. Trong số đó, tổng dư nợ các chương trình tín dụng đạt trên 3.997 tỷ đồng, tăng trên 569 tỷ đồng so với đầu năm, đạt 99,92% kế hoạch giao, với 118.124 hộ đang còn dư nợ, chiếm 36,75% tổng số hộ dân toàn tỉnh.
Năm 2024 Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội các cấp sẽ tích cực tham mưu cho cấp ủy, thực hiện tốt các Chỉ thị của Trung ương và Ủy ban Nhân dân tỉnh; trong đó, quan tâm cân đối bố trí nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng chính sách xã hội ngay từ đầu năm để cho vay đối với người nghèo và đối tượng chính sách trên địa bàn tỉnh. Việc này nhằm góp phần triển khai các nghị quyết đặc thù về Chương trình Mục tiêu Quốc gia đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Ngoài ra, Ngân hàng chính sách xã hội sẽ tham mưu cho Ủy ban Nhân dân tỉnh trình Hội đồng Nhân dân ban hành Nghị quyết quy định đối tượng cho vay vốn từ nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh Tây Ninh; nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng và triển khai có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn, tổ chức bình xét cho vay kịp thời, đúng đối tượng thụ hưởng.
Theo đó, tỉnh sẽ tổ chức điều tra bổ sung kịp thời đảm bảo 100% các đối tượng chính sách đủ điều kiện và có nhu cầu vay vốn đều được tiếp cận vốn tín dụng chính sách; phát huy vai trò của Trưởng ấp, khu phố đại diện cho chính quyền cơ sở tham gia giám sát ngay từ khi bình xét cho vay tại Tổ tiết kiệm và vay vốn, quản lý tốt hoạt động của Tổ tiết kiệm và vay vốn.
Mặt khác, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan báo chí ở Trung ương, địa phương thực hiện hiệu quả hoạt động truyền thông tín dụng chính sách xã hội; tuyên truyền sâu, rộng về hiệu quả vốn tín dụng chính sách trong quá trình triển khai trên thực tế, gương điển hình tiên tiến thực hiện hiệu quả tín dụng chính sách xã hội.
Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban Nhân dân tỉnh Tây Ninh Võ Đức Trong đề nghị năm 2024 Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh Tây Ninh cần bám sát chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước về tín dụng chính sách xã hội, điều hành có hiệu quả các hoạt động cho vay vốn. Cùng đó, phối hợp tốt với các tổ chức chính trị-xã hội nhận ủy thác, các sở, ban ngành có liên quan để tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách xã hội.
Ngoài ra, ngân hàng cần tập trung xử lý nợ đến hạn, nợ quá hạn; coi trọng việc thu nợ, thu lãi, tập trung củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng, giảm nợ xấu, tích cực huy động, khai thác các nguồn vốn đáp ứng kịp thời nhu cầu cho vay các chương trình tín dụng chính sách xã hội theo chỉ tiêu kế hoạch được giao.
Theo Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Tây Ninh, cuối năm ngoái tổng dư nợ từ nguồn vốn Trung ương đạt trên 3.603 tỷ đồng, tăng gần 504 tỷ đồng so với đầu năm, đạt 99,93% kế hoạch giao; dư nợ nguồn vốn địa phương đạt trên 394 tỷ đồng, tăng 66,2 tỷ đồng so với đầu năm, đạt 99,8% kế hoạch.
Tỉnh đã giải ngân cho 5.548 khách hàng vay vốn theo Nghị quyết số 11 của Chính phủ về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, với số tiền trên 293 tỷ đồng, dư nợ lũy kế đến cuối năm 2023 là trên 486 tỷ đồng, tăng trên 292 tỷ đồng so với đầu năm, đạt 100% kế hoạch.
Về thực hiện hỗ trợ lãi suất đối với các khoản vay (theo Nghị định số 36/2022/NQ-CP của Chính phủ) đã hỗ trợ lãi suất với tổng số tiền trên 34 tỷ đồng (năm 2022 gần 10 tỷ đồng, năm 2023 gần 24,8 tỷ đồng)./.