Tháng cuối cùng của năm cũng là thời điểm vàng để các hợp tác xã tăng tốc sản xuất kinh doanh phục vụ Tết Nguyên đán.
Tuy nhiên, trong bối cảnh sức cầu yếu, kinh tế khó khăn, không ít hợp tác xã đang dè dặt, thận trọng tính toán trước những bước đi của thị trường.
Đặc biệt, khó khăn về vốn lại đang là điểm nghẽn tại nhiều hợp tác xã hiện nay và cần những chính sách phù hợp tạo cơ hội để hợp tác xã phát triển bền vững.
Đại diện một số hợp tác xã chia sẻ dịp cuối năm nhu cầu về vốn lưu động tăng cao nhằm đáp ứng hoạt động sản xuất kinh doanh khá nhộn nhịp.
Tuy nhiên, các chính sách hỗ trợ về vốn chưa giải tỏa được cơn khát của hợp tác xã hiện nay.
Hà Nội: Hỗ trợ xây dựng thương hiệu cho hợp tác xã
Hơn nữa, sau một thời gian dài bị tác động bởi dịch COVID-19, hoạt động sản xuất kinh doanh của khu vực kinh tế tập thể cũng ảnh hưởng không nhỏ khiến việc đáp ứng điều kiện vay vốn tại hợp tác xã đã khó càng thêm khó.
Đánh giá từ các chuyên gia, dù có những chính sách hỗ trợ hợp tác xã song tốc độ giải ngân vẫn còn chậm.
Ngoài ra, tình trạng hợp tác xã gặp khó khi tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi cũng cho thấy điều kiện để vay vốn chưa thực sự phù hợp với mô hình kinh tế tập thể.
Hiện tại, đa số hợp tác xã đang tiếp cận nguồn vốn tín dụng qua kênh tín dụng thương mại. Đây là kênh tương đối khó khăn, vì điều kiện để tiếp cận tín dụng thương mại và lòng tin của tổ chức tín dụng với hợp tác xã còn hạn chế.
Ngoài ra, còn có Ngân hàng Hợp tác xã là thành viên của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam hoạt động theo Luật Hợp tác xã nhưng chủ yếu làm đầu mối để điều tiết, hỗ trợ cho các Quỹ Tín dụng nhân dân. Còn lại thị phần tín dụng và các dịch vụ hỗ trợ hợp tác xã còn ít.
Ông Nguyễn Phi Đức, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp, Kinh doanh Thương mại Tổng hợp Dương Liễu (huyện Hoài Đức), thông tin hạn chế lớn nhất của hợp tác xã khi tiếp cận nguồn vốn của ngân hàng là không có tài sản bảo đảm.
Hiện tại, hợp tác xã chủ yếu vay vốn từ Quỹ Hỗ trợ Phát triển Hợp tác xã nhưng chỉ được vay tối đa vài chục triệu đồng, chưa đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh.
Bà Hoàng Thị Tiền, Giám đốc Hợp tác xã Rau An toàn Tiền Tài, tỉnh Hưng Yên, cho biết để hướng đến sản xuất theo chuỗi, bên cạnh áp dụng công nghệ cao trong sản xuất, hợp tác xã cần nguồn vốn để đầu tư kho lạnh, máy chế biến, bảo quản nông sản.
Tuy nhiên, việc huy động vốn từ các thành viên không thuận lợi vì không có tài sản thế chấp và đây cũng là khó khăn chung của hầu hết các hợp tác xã hiện nay.
Là một trong số những hợp tác xã tiêu biểu trên địa bàn Nam Định, ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ Linh Phát, thổ lộ Hợp tác xã đã và đang đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, xây dựng mô hình trồng một số loại nấm có giá trị kinh tế cao (như nấm đùi gà, nấm đầu khỉ) kết hợp sử dụng năng lượng mặt trời và hệ thống điều khiển tự động IoT.
Ngoài ra, hợp tác xã đang hướng tới đẩy mạnh phối hợp với các công ty, doanh nghiệp để xây dựng liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp sạch.
Mặt khác, tìm hiểu thị trường, tiến tới đa dạng hóa sản phẩm làm từ nấm nhằm đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng.
Tuy nhiên, để làm được những điều này đòi hỏi có nguồn vốn vay ổn định, lâu dài. Thời gian qua khi ngân hàng thương mại cho vay vốn với lãi suất 10% Quỹ hỗ trợ hợp tác xã vẫn cho vay với lãi suất 5,13%/năm.
Thế nhưng, đến thời điểm này các ngân hàng thương mại hiện đã đồng loạt hạ lãi suất xuống mức thấp từ 7-8%/năm. Do đó, các kênh cho vay vốn của hợp tác xã cần ưu đãi và có thể kéo dài thời gian cho vay lên từ 7-10 năm.
Theo ông Nguyễn Văn Thành, trước kia, khung vốn vay là 5 năm là phải trả hết khoản nợ, kiểu như trả góp. Điều này đã tạo rào cản cho hợp tác xã bởi đầu tư đến đâu lại thu hồi vốn đến đó gây khó khăn cho đơn vị phát triển kinh tế.
Hơn nữa, bên cạnh việc cho hợp tác xã vay vốn đầu tư sản xuất cần có cơ chế cho vay vốn lưu động cho doanh nghiệp và giãn thời gian trả nợ từ 6 tháng đến 1 năm để doanh nghiệp chuẩn bị nguồn vốn trả nợ.
Ngoài ra, có chính sách đơn giản hoá thủ tục, lãi suất vay có thêm cơ chế thương mại vốn lưu động đầu tư máy móc, nhập nguyên liệu... để hợp tác xã phát triển bền vững hơn.
Đại diện Liên minh Hợp tác xã thành phố Hà Nội cho hay hiện nay hợp tác xã chủ yếu tiếp cận được nguồn vốn từ Quỹ Hỗ trợ phát triển Hợp tác xã.
Mỗi năm, Liên minh Hợp tác xã thành phố Hà Nội hỗ trợ cho hơn 200 dự án với số vốn khoảng 100 tỷ đồng. Một con số quá nhỏ so với nhu cầu của hàng nghìn hợp tác xã trên địa bàn Thủ đô.
Nhằm tăng khả năng tiếp cận vốn của hợp tác xã, thời gian tới, Liên minh Hợp tác xã thành phố sẽ tổ chức các khóa tập huấn, đào tạo cho cán bộ quản lý, thành viên làm chuyên môn, kỹ thuật của hợp tác xã các chuyên đề tìm hiểu về cách thức và quy trình vay vốn ngân hàng; các kiến thức cơ bản trong vay vốn ngân hàng cho hợp tác xã...
Để thuận lợi hơn trong việc tiếp cận vốn vay, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam cho rằng các hợp tác xã cần nâng cao năng lực quản trị và tăng số lượng thành viên để khuyến khích góp vốn; tăng năng lực quản trị sẽ tạo thuận lợi cho kết nối chuỗi, giúp dễ dàng huy động nguồn lực giúp hợp tác xã vay vốn từ doanh nghiệp và tạo độ tin cậy với tổ chức tín dụng.
Mặt khác, các cấp có thẩm quyền thường xuyên nắm bắt tình hình thực trạng của hợp tác xã. Qua đó, đề xuất điều chỉnh, bổ sung chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển hợp tác xã phát triển ổn định, hiệu quả, bền vững./.