Theo thông tin từ Ngân hàng Chính sách xã hội, đến thời điểm này, nguồn vốn ủy thác từ ngân sách các địa phương sang Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay các chương trình tín dụng chính sách đã đạt trên 5.000 tỷ đồng, hoàn thành trên 100% kế hoạch cả năm 2024.
Tính chung sau hơn 9 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, các tỉnh, thành phố trong cả nước đã ưu tiên tập trung dành hơn 40.000 tỷ đồng ngân sách địa phương ủy thác sang hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội để thêm nguồn lực cho giảm nghèo và bảo đảm an sinh xã hội.
Hỗ trợ lãi suất các khoản vay tại Ngân hàng Chính sách xã hội
Trong đó, một số chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh thành nhận nguồn vốn ủy thác từ địa phương cao kể từ khi thực hiện Chỉ thị số 40 như: Thành phố Hà Nội 7.926 tỷ đồng, Thành phố Hồ Chí Minh 7.250 tỷ đồng, thành phố Đà Nẵng 2.150 tỷ đồng, Bình Dương 1.942 tỷ đồng, Bà Rịa-Vũng Tàu 1.789 tỷ đồng, Đồng Nai 1.392 tỷ đồng…
Tính đến ngày 31/12/2023, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách của cả nước đạt trên 346.000 tỷ đồng. Đây là cơ sở để năm 2023 Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay được trên 2,2 triệu lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác với tổng doanh số cho vay toàn hệ thống đạt 108.044 tỷ đồng. Đến hết năm 2023, tổng dư nợ tín dụng chính sách đạt gần 332.000 tỷ đồng, với 6,8 triệu khách hàng vay.
Chất lượng nợ tiếp tục được duy trì ổn định. Tỷ lệ nợ quá hạn và nợ khoanh chiếm 0,57% trên tổng dư nợ; trong đó, nợ quá hạn chiếm 0,16%, nợ khoanh chiếm 0,41%.
Nguồn vốn chính sách đã và đang hỗ trợ đầu tư sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho trên 790.000 lao động, trong đó giúp gần 8.600 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài và gần 2.600 người vừa chấp hành xong án phạt tù có việc làm. Nguồn vốn cũng đã giúp gần 97.000 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn học tập; giải ngân hơn 4.000 hộ gia đình vay vốn mua máy vi tính và thiết bị học trực tuyến cho học sinh, sinh viên; xây dựng trên 1,4 triệu công trình nước sạch, công trình vệ sinh ở nông thôn; xây dựng 1.383 căn nhà ở cho hộ nghèo ổn định cuộc sống, hơn 15.000 căn nhà ở xã hội cho các đối tượng thu nhập thấp…
Đây là tiền đề để năm 2024 ngân hàng tiếp tục thực hiện mục tiêu Chính phủ giao. Và xa hơn nữa là thực hiện thành công Chiến lược phát triển Ngân hàng Chính sách xã hội đến năm 2030, trọng tâm là đảm bảo 100% người nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu, đủ điều kiện đều được tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ tài chính do Ngân hàng Chính sách Xã hội cung cấp; trở thành công cụ chủ lực của Đảng, Chính phủ trong công cuộc giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, để không ai bị bỏ lại phía sau trong tiến trình phát triển của đất nước.
Trước đó, tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2024, ông Dương Quyết Thắng-Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội đã yêu cầu toàn hệ thống tiếp tục tham mưu cho Chính phủ, các Bộ, ban ngành, cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương các cấp, ưu tiên bố trí bổ sung nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác góp phần triển khai hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia; đồng thời tiếp tục triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp tại Chiến lược phát triển Ngân hàng Chính sách xã hội đến năm 2030.
Bên cạnh đó, ông Thắng còn yêu cầu tập trung triển khai thực hiện kế hoạch tăng trưởng tín dụng năm 2024 ngay khi được Thủ tướng Chính phủ giao, không ngừng củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách. Tập trung thực hiện chuyển đổi số, triển khai các dự án trọng tâm nhằm cung cấp các sản phẩm, dịch vụ tài chính - ngân hàng toàn diện cho các đối tượng khách hàng của Ngân hàng Chính sách xã hội…