Cần các chính sách "khơi thông" để hút FDI bất động sản công nghiệp

Trước bối cảnh nguồn vốn đổ vào bất động sản đang bị hạn chế từ tín dụng ngân hàng trong nước, dòng chảy FDI đang được đánh giá là phương án hỗ trợ kịp thời cho các chủ đầu tư phát triển dự án.
Bất động sản công nghiệp tại thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài, tính đến ngày 20/5, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam đạt gần 10,86 tỷ USD, bằng 92,7% so với cùng kỳ.

Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giữ vững ngôi đầu

Ngoài vốn đầu tư điều chỉnh giảm thì vốn đầu tư mới và góp vốn mua cổ phần tiếp tục tăng hơn so với cùng kỳ năm ngoái.

Cụ thể, có 962 dự án đầu tư mới được cấp phép với tổng vốn đăng ký đạt hơn 5,26 tỷ USD, tăng 66,4% về số dự án và tăng 27,8% về số vốn.

Có 485 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư (tăng 22,8% so với cùng kỳ), tổng vốn tăng thêm đạt gần 2,28 tỷ USD (giảm 59,4% so với cùng kỳ).

Có 1.278 giao dịch góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài (giảm 5,6% so với cùng kỳ), tổng giá trị vốn góp đạt gần 3,32 tỷ USD (tăng 67,2% so với cùng kỳ).

Từ đầu năm đến nay, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành, lĩnh vực. Trong số đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục duy trì vị trí dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt hơn 6,64 tỷ USD, chiếm 61,2% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Ngành hoạt động tài chính, ngân hàng đứng thứ 2 với tổng vốn đầu tư hơn 1,53 tỷ USD, chiếm hơn 14,1% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Sau thời gian dài trụ hạng ở vị trí thứ 2 thì đến nay, các ngành kinh doanh bất động sản đã tụt xuống vị trí số 3 với tổng vốn đăng ký đạt 1,16 tỷ USD, giảm 61,3% so với số vốn đầu tư gần 3 tỷ USD vào lĩnh vực này của cùng kỳ năm trước.

Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 50 tỉnh, thành phố trên cả nước. Xét về số dự án, Hàn Quốc dẫn đầu cả về số dự án mới (chiếm 17,4%), số lượt điều chỉnh vốn (chiếm 25,2%) và góp vốn mua cổ phần (chiếm 28,5%).

Xét về tổng vốn đầu tư đăng ký, Hà Nội dẫn đầu cả nước với gần 1,87 tỷ USD, chiếm gần 17,2% tổng vốn đầu tư đăng ký và tăng gấp gần 2,7 lần so với cùng kỳ.

Bắc Giang xếp thứ 2 với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 1 tỷ USD, chiếm hơn 9,4% tổng vốn đầu tư cả nước, tăng gấp gần 2,4 lần so với cùng kỳ. Tiếp theo lần lượt là Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai…

Theo đánh giá của Cục Đầu tư nước ngoài, vốn đầu tư thực hiện của các dự án đầu tư nước ngoài giảm so với cùng kỳ song đã có cải thiện so với các tháng đầu năm 2023 (giảm 0,8% so với cùng kỳ, tăng nhẹ 0,4 điểm phần trăm so với 4 tháng, tăng 1,4 điểm phần trăm so với 3 tháng và tăng 4,1 điểm phần trăm so với 2 tháng năm 2023).

Vốn đầu tư mới tăng mạnh hơn so với mức tăng trong 4 tháng đầu năm. Số dự án đầu tư mới tiếp tục tăng nhẹ 1,2 điểm phần trăm so với 4 tháng và tăng mạnh so với cùng kỳ (tăng 66,4%).

Tốc độ tăng số dự án mới lớn hơn tốc độ tăng tổng vốn đầu tư, điều đó cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài quy mô vừa và nhỏ tiếp tục quan tâm, tin tưởng vào môi trường đầu tư của Việt Nam vừa đưa ra các quyết định đầu tư mới.

Các tập đoàn lớn hiện đang cẩn trọng, xem xét kỹ việc tiếp tục đầu tư lớn vào Việt Nam trong bối cảnh tác động của chính sách thuế tối thiểu toàn cầu.

Các dự án có quy mô vốn đầu tư dưới 1 triệu USD chiếm tới gần 70% số dự án mới, song tổng vốn đầu tư chỉ chiếm gần 2,2% tổng vốn đầu tư đăng ký mới trong 5 tháng.

Các dự án đầu tư mới vẫn tập trung vào các tỉnh, thành phố có nhiều lợi thế trong thu hút đầu tư nước ngoài (cơ sở hạ tầng tốt, nguồn nhân lực ổn định, nỗ lực cải cách thủ tục hành chính và năng động trong công tác xúc tiến đầu tư…) như Hà Nội, Bắc Giang, Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Bắc Ninh, Hải Phòng… 

[Chuyên gia: Việt Nam tiếp tục là điểm đến hàng đầu của FDI]

Cũng theo Cục Đầu tư nước ngoài, vốn đầu tư điều chỉnh giảm so với cùng kỳ (giảm 59,4%) do không có nhiều các dự án điều chỉnh vốn lớn song mức giảm đã được cải thiện hơn so với các tháng đầu năm.

Số lượt dự án điều chỉnh vốn cũng tăng mạnh hơn (tăng 22,8% so với cùng kỳ) thay vì tăng 19,5% trong 4 tháng, 2,6% trong 3 tháng và giảm 6,3% trong 2 tháng đầu năm, khẳng định niềm tin của các nhà đầu tư vào môi trường đầu tư của Việt Nam và tiếp tục đưa ra các quyết định mở rộng dự án hiện hữu.

Kỳ vọng từ bất động sản công nghiệp

Mặc dù dòng vốn FDI vào lĩnh vực bất động sản có sự sụt giảm do những vấn đề nội tại của thị trường bất động sản Việt Nam như khan hiếm nguồn cung, thiếu quỹ đất, vướng mắc pháp lý…. nhưng bất động sản công nghiệp vẫn là “điểm sáng" hiếm hoi của thị trường với dư địa và cơ hội phát triển cả trong ngắn, trung và dài hạn.

Ông Trương An Dương, Giám đốc điều hành khu vực phía Bắc và khối bất động sản Nhà ở, Công ty Frasers Property Vietnam nhận định Việt Nam là thị trường thu hút FDI rất tốt trong lĩnh vực bất động sản với các lợi thế về tiềm năng thị trường, dân số, thu nhập, đặc điểm nền kinh tế trong giai đoạn 30-40 năm vừa qua.

Thực tế cho thấy, Việt Nam đã và đang trở thành địa điểm thu hút đầu tư về công nghiệp sản xuất. Đà tăng nguồn vốn FDI từ các tập đoàn nước ngoài gấp nhiều lần trong thập kỷ qua là minh chứng rõ nét nhất, tạo dựng niềm tin mạnh mẽ về sự tăng trưởng trong mắt nhà đầu tư quốc tế.

Khu công nghiệp Tân Đông Hiệp B, thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, trung bình các năm gần đây, vốn FDI vào các khu công nghiệp, khu kinh tế chiếm khoảng 35-40% tổng vốn FDI đăng ký tăng thêm của cả nước. Riêng với lĩnh vực chế biến, chế tạo thì tỷ lệ này có thể lên đến 70-80%.

Ông Neil MacGregor, Tổng giám đốc Điều hành Savills Việt Nam nhận định các tín hiệu vĩ mô vẫn cho thấy sức hút mạnh mẽ của thị trường Việt Nam đối với các nhà đầu tư bất chấp bối cảnh kinh tế thế giới với nhiều biến động.

Các nhà đầu tư tại nhiều thị trường lớn trên thế giới đều nhấn mạnh sự quan tâm của các nhà đầu tư đến thị trường Việt Nam ở nhiều lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực sản xuất, bán lẻ, logistics, văn phòng và nhà ở.

Bởi vậy, dù thu hút FDI vào bất động sản có sụt giảm nhưng việc tìm kiếm nguồn vốn cho ngành bất động sản từ dòng FDI vẫn hoàn toàn khả thi bởi sự quan tâm của các nhà đầu tư đến với thị trường Việt Nam hiện nay là rất lớn.

Đại diện Frasers Property Vietnam kỳ vọng trong thời gian tới, Nhà nước sẽ có thêm những chính sách sửa đổi để tạo thuận lợi cho nhà đầu tư nước ngoài nói chung và các nhà đầu tư bất động sản nói riêng tiếp cận vào quỹ đất; cũng như đẩy mạnh quá trình phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án bất động sản, đặc biệt là bất động sản nhà ở và bất động sản thương mại.

Ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Bộ phận Tư vấn đầu tư tại Savills Việt Nam cũng đề xuất: “Cần sớm có những chính sách khai thông để bổ sung nguồn vốn nội lực và nguồn vốn vay cho doanh nghiệp, từ đó tăng tính liên kết, giúp thị trường bất động sản tận dụng được tiềm năng của nó.”

Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARs) Nguyễn Văn Đính nhấn mạnh thông tin quy hoạch khu công nghiệp đồng bộ cần được công khai, minh bạch trong tổng thể bản đồ quy hoạch chung của vùng, địa phương để nhà đầu tư yên tâm nghiên cứu, nắm bắt cơ hội đầu tư.

Bên cạnh đó, yếu tố được xem là quan trọng hàng đầu ảnh hưởng đến tiềm năng tăng trưởng bất động sản cũng như gia tăng năng lực cạnh tranh chính là hạ tầng cần được đẩy mạnh và chú trọng đầu tư; đặc biệt là hạ tầng giao thông kết nối.

Ngoài ra, cần đơn giản hóa thủ tục cấp phép, giải quyết vướng mắc thủ tục đất đai (bồi thường, giải phóng mặt bằng) để tránh kéo dài thời gian xây dựng cũng như chi phí pháp lý.

Trước bối cảnh nguồn vốn đổ vào bất động sản đang bị hạn chế từ tín dụng ngân hàng trong nước, dòng chảy FDI đang được đánh giá là phương án hỗ trợ kịp thời cho các chủ đầu tư phát triển dự án,  tạo ra nhiều cơ hội và giá trị cho các doanh nghiệp địa ốc./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục