Bình cứu hỏa: Trang bị phải kèm hướng dẫn sử dụng

Cần đào tạo kỹ năng sử dụng thiết bị chữa cháy cho người lái ôtô

"Nếu đã luật hóa quy định bắt buộc xe ôtô phải trang bị bình cứu hỏa thì cũng cần luật hóa việc huấn luyện, đào tạo người lái về kỹ năng sử dụng thiết bị này."
Tiến sỹ vật lý Nguyễn Văn Khải (Ảnh: Sơn Bách/Vietnam+)

Những ngày qua, dư luận cả nước đang rất quan tâm đến việc Bộ Công an ban hành Thông tư 57 quy định: Ôtô từ 4 chỗ trở lên phải trang bị một bình bột chữa cháy loại dưới 4kg hoặc bình bọt loại dưới 5 lít; bình nước với chất phụ gia chữa cháy dưới 5 lít. Đi kèm với quy định này là mức phạt tiền đối với các vi phạm ở mức từ 300.000-500.000 đồng.

Liên quan đến vấn đề trên, Tiến sỹ Vật lý Nguyễn Văn Khải cho rằng: Nếu đã luật hóa quy định bắt buộc xe ôtô phải trang bị bình cứu hỏa thì cũng cần luật hóa việc huấn luyện, đào tạo người lái về cách thức sử dụng các thiết bị dạng này.

Cần cụ thể hóa Thông tư

Theo quan điểm của Tiến sỹ Khải​, ôtô là một tài sản có giá trị lớn nên việc trang bị bình cứu hỏa trên xe đề phòng sự cố là việc làm cần thiết.

“Từ thời điểm năm 1992, khi tôi đang ở Ba Lan, xe ôtô của tôi đã có bình cứu hỏa,” ông Khải chia sẻ.

Tuy nhiên, vị Tiến sỹ Vật lý già cũng tỏ ra băn khoăn vì bản thân Thông tư 57 của Bộ Công an chưa quy định cụ thể về vị trí đặt bình, dung tích cụ thể của bình đối với từng loại xe khác nhau.

“Rõ ràng, đối với xe ôtô con, bình cứu hỏa sẽ cần phải có dung tích khác với loại được trang bị cho xe tải, xe buýt, xe container. Ngay cả vị trí để đặt bình thế nào cũng cần nói rõ. Tôi đã thấy có trường hợp lái xe để bình cứu hỏa trên sàn xe, khi phương tiện di chuyển bình lăn qua lăn lại hết sức nguy hiểm. Quan điểm của tôi là khi đã luật hóa thì cần phải quy định hết sức chi tiết và rõ ràng,” Tiến sỹ Nguyễn Văn Khải nêu quan điểm.

Cảnh sát kiểm tra bình cứu hỏa đặt trong xe ôtô (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Bên cạnh đó, ông Khải cũng cho rằng: Cùng với việc ban hành thông tư quy định ôtô phải trang bị bình chữa cháy, cơ quan chức năng cũng cần thông báo rõ ràng cho người dân những nơi nào bán sản phẩm chữa cháy đủ tiêu chuẩn và chất lượng.

“Trong một thời gian ngắn, người dân ồ ạt đi mua cùng một sản phẩm sẽ dẫn đến việc sản phẩm đó bị đội giá lên rất nhiều. Không chỉ thế, có nhiều nơi, nhiều cửa hàng sẽ bán những sản phẩm không đủ chất lượng, tiêu chuẩn. Nếu người dân không biết phải mua ở đâu cho uy tín và chất lượng sẽ gây ra việc lãng phí thời gian, công sức và nhiều người sẽ mua theo kiểu chống đối, mua cho có”.

["Cháy" hàng bình cứu hỏa mini dù giá đã tăng gấp 4 lần]

Thực tế những ngày vừa qua cũng đã chứng minh quan điểm của Tiến sỹ Nguyễn Văn Khải khi theo khảo sát, giá bình cứu hỏa liên tục tăng nhiệt đến chóng mặt. Thậm chí, một số điểm bán dụng cụ này còn cháy hàng.

Tuy nhiên, nhìn nhận trên tổng thể, ông Khải tỏ ra hết sức băn khoăn khi hiện nay tại Việt Nam chưa có một khóa huấn luyện, đào tạo chính thức nào cho lái xe về cách thức sử dụng các phương tiện chữa cháy.

“Không phải người dân nào cũng biết sử dụng bình chữa cháy một cách đúng cách và có rất nhiều người chưa sử dụng đến loại bình này bao giờ.

Chính vì thế, các cơ quan chức năng cũng nên có những lớp hoặc học phổ biến cho người dân sử dụng bình chữa cháy nhưng thế nào cho đúng cách và đạt được hiệu quả cao nhất khi sử dụng.”

Theo ông Khải, hiện nay, các lái xe tại Việt Nam chưa hề được đào tạo bất kỳ kỹ năng nào để sử dụng bình cứu hỏa cũng như để ứng phó với sự cố khi xảy ra hỏa hoạn. Do đó, hầu hết đều hết sức lúng túng và hoảng loạn khi gặp với trường hợp cụ thể.

Do vậy, khi đã luật hóa thành các quy định, Tiến sỹ Khải nhấn mạnh việc cần thiết phải bổ sung các lớp đào tạo kỹ năng trên cho lái xe như một yêu cầu bắt buộc.

Ứng phó thế nào khi xe ô tô phát cháy?

Trên tư cách một nhà khoa học, tiến sỹ Khải đưa ra những hướng dẫn cụ thể đối với lái xe trong trường hợp gặp phải sự cố hỏa hoạn.

Theo đó, bình chữa cháy có hai loại, một là dạng bột, hai là CO2. Đối với loại bình bột, để đạt hiệu quả cao nhất khi sử dụng, người dân phải lắc đều bình 4-5 lần.

Sau khi lắc bình, phải rút chốt an toàn, tay trái cầm vòi phun hướng về đám cháy, tay phải bóp cò, phun bột vào nơi phát ra ngọn lửa trên xe.

Đối với loại bình CO2, khi sử dụng, một tay cầm loa phun nơi phát ra ngọn lửa trên xe, tay kia mở khóa van bình khoảng và miệng loa càng gần ngọn lửa càng tốt”.

Ông Khải cũng khuyến cáo, người dân nên đặt bình cố định, chống va chạm tại vị trí gần với lái xe nhất để trong trường hợp xảy cháy, tài xế có thể kịp thời sử dụng.

Cảnh sát kiểm tra bình cứu hỏa đặt trong xe ôtô (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

“Khi xảy ra cháy, trước hết, những người trên xe phải cố gắng thoát ra ngoài càng nhanh càng tốt và xác định được điểm phát ra ngọn lửa.

Nếu đám cháy nhỏ, có thể dập được, mọi người có thể chữa cháy còn nếu đám cháy lớn, vượt ngoài khả năng của bản thân thì chạy càng xa càng tốt.

Khi đã có bình chữa cháy trên xe thì những xe ôtô lưu thông qua khu vực có xe bị cháy phải cầm bình chữa cháy xuống giúp mọi người dập lửa nếu đám cháy nhỏ, trong tầm kiểm soát,” ông Khải đưa ra lời khuyên.

Liên quan đến thông tin về việc bình chữa cháy khi để ở trong xe có nhiệt độ cao sẽ có nguy cơ phát nổ, nhà khoa học cho biết: “Bình chữa cháy đúng tiêu chuẩn chất lượng có một số bộ phận được làm bằng hợp chất, khi đạt đến nhiệt độ khoảng 68 độ C, một số bộ phận vỏ bình sẽ tự bị vỡ hoặc thủng để các chất chứa bên trong bình thoát ra ngoài. Chính vì thế, việc bình chữa cháy để ở trong xe ôtô có khi có nhiệt độ cao bị nổ là cực kì khó”./.

Nhiều tài xế lo lắng việc những bình cứu hỏa được lắp không đúng cách trên xe có thể trở thành những quả 'bom nổ chậm'. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục